Dân Việt

Đề xuất xây dựng bể, hồ chứa nước phân tán tại ĐBSCL

Huỳnh Xây 30/11/2024 15:35 GMT+7
Ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) đề xuất, xây dựng bể, hồ chứa nước phân tán tại ĐBSCL, nhằm phục vụ trong mùa khô.

Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL” tại TP.Cần Thơ.

Đề xuất xây dựng bể, hồ chứa nước phân tán tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Đề xuất xây dựng bể, hồ chứa nước phân tán tại ĐBSCL phục vụ trong mùa khô. Ảnh: Huỳnh Xây

Tại đây, trong phần phát biểu của mình, ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), đề xuất xây dựng bể, hồ chứa nước phân tán phục vụ trong mùa khô.

Ông Tuấn phân tích, việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến hệ lụy về sụt lún, nguồn nước bị suy thoái và nhiễm phèn trong khi đó tổng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt cho dân trong mùa khô là rất lớn. 

Do vậy, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến nghị Nhà nước nên đầu tư các hồ chứa nước phân tán, cục bộ, quy mô nhỏ giúp tận dụng nguồn nước điều tiết phục vụ trong mùa khô cho sản xuất nông nghiệp.

Những khu vực khó khăn như Cà Mau, Bạc Liêu khi nguồn nước mặt chưa đến, phải sử dụng nước ngầm và ứng dụng các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước.

Ông Tuấn cũng khuyến cáo người dân vùng khó khăn, ven biển đầu tư bể, hồ chứa nước, sao cho đảm bảo đủ lượng dùng trong những tháng mùa khô.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước, do vị trí đặc điểm cuối nguồn, hằng năm dòng chảy về ĐBSCL đạt hơn 400 tỷ m3. Tuy nhiên, vùng nước nội sinh chỉ chiếm 5% (hơn 22 tỷ m3), vậy vấn đề xuất hiện lũ, hạn mặn trong mùa khô phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng lưu.

Ngoài ra, ĐBSCL còn bị tác động bởi từ biển vào và vấn đề nội tại (phát triển kinh tế dẫn đến xả thải và hạ thấp lòng dẫn dẫn đến biến động triều, khiến xâm nhập mặn biến động lớn).

Thời gian qua, các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng về mức thấp so với tác động của hạn, xâm nhập mặn đã triển khai tốt từ phía nhà nước, thời gian tới cũng khuyến cáo từ phía người dân cần chủ động với các giải pháp tích nước, tưới tiết kiệm, phòng chống hạn mặn.

Ông Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cũng cho rằng, trong thời gian tới, người dân và chính quyền địa phương cần chủ động tích trữ, điều tiết nguồn nước và dịch chuyển thời vụ để hình thành thói quen chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng quan điểm với ông Tuấn và ông Anh, ông Đinh Thanh Mừng - Phó Trưởng phòng An ninh nguồn nước (Cục Thủy lợi) nói: "Như đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 và năm 2019-2020 khiến chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò của chủ động nguồn nước. Ngay cả các nước trên thế giới cũng vậy, họ cũng khuyến cáo với Chính phủ, Bộ NNPTNT về việc này".

Theo Phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), từ tháng 12/2024-5/2025, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Công về ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Song song đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m.

Từ yếu tố trên và các đánh giá có liên quan cho thấy, xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020.