Chính trị gia người Anh Lord Michael Ashcroft viết trong bài báo trên tờ Express của Anh: Theo truyền thuyết Hy Lạp, Gordius, Vua xứ Phrygia, đã tạo ra một nút thắt phức tạp đến mức chỉ có người cai trị tương lai của châu Á mới có thể tháo được. Giờ đây thuật ngữ này để chỉ một vấn đề phức tạp hoặc thậm chí không thể giải quyết được.
Nút thắt Gordian mà Tổng thống đắc cử Trump phải đối mặt khi ông lên nắm quyền vào tháng tới là vấn đề đạt được hòa bình ở Ukraine. Không phải là lệnh ngừng bắn tạm thời giống như các thỏa thuận Minsk đã thất bại vào năm 2014 và 2015, mà là một thỏa thuận lâu dài tôn trọng chủ quyền của Ukraine và ngăn chặn hành vi gây hấn trong tương lai, đồng thời đáp ứng các yêu cầu cốt lõi của cả hai bên.
Việc thu hẹp khoảng cách đó có thể trở nên khó khăn hơn những gì Tổng thống mới tưởng tượng. Tuy nhiên, ngoài những lo ngại về mặt chiến lược, ông Trump có thể thích thú với thách thức này vì những lý do cá nhân hơn: Liệu ông có nghĩ rằng một thỏa thuận như vậy có thể mang lại cho ông Giải Nobel Hòa bình – ngang bằng với thành tựu của ông Barack Obama, nhưng có một thành tựu thực sự xứng đáng với giải thưởng này không?
Đối với Nga, một thỏa thuận có thể chấp nhận được có lẽ sẽ bao gồm việc củng cố quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát, bao gồm toàn bộ các vùng Donetsk, Kherson và Zapor-izhzhia, đồng thời đảm bảo rằng Ukraine không được gia nhập NATO hoặc EU. Những điều khoản như vậy sẽ phù hợp với tầm nhìn của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Ukraine như một vùng đệm trung lập.
Ukraine, kiệt sức sau gần ba năm chiến đấu, có thể hưởng lợi từ việc đóng băng cuộc chiến toàn diện. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào làm mất đi chủ quyền của mình đều không thể duy trì được.
Ukraine từ lâu đã muốn gia nhập NATO – nhưng nếu tư cách thành viên đầy đủ vẫn chưa được đưa ra, thì Kiev ít nhất sẽ yêu cầu các đảm bảo an ninh giống như NATO nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD.
Mặc dù những đảm bảo an ninh này có vẻ quá mức đối với một số người ở phương Tây, nhưng chính Mỹ và Vương quốc Anh, cùng với Nga, đã giải giáp Ukraine vào năm 1994. Theo Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình - lớn thứ ba thế giới - để đổi lấy lời hứa bảo vệ chủ quyền của mình.
Những lời hứa đó giờ đây nghe có vẻ sáo rỗng, khi toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bị phá vỡ và sự tồn tại của nước này phụ thuộc vào sự hỗ trợ từng phần của phương Tây. 30 năm sau, dễ hiểu là Ukraine không tin tưởng vào những thỏa thuận như vậy.
Thỏa thuận Minsk thất bại dẫn đến xung đột bùng phát năm 2022, là lời nhắc nhở rõ ràng về sự vô ích của những lời hứa suông. Lần này, Kiev sẽ nhấn mạnh vào các cam kết ràng buộc và có thể thực thi.
Ukraine lo ngại rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình bất công nào cũng chỉ mang lại cho Nga một khoảng dừng chiến lược, cho phép Nga tập hợp lại, tái vũ trang và tấn công lần nữa trong tương lai. Quan hệ đối tác quân sự mở rộng của Nga với Triều Tiên, Iran và Trung Quốc cũng khiến phương tây lo lắng.
Tác giả, Lord Michael Ashcroft cho biết, truyền thuyết nói rằng vào năm 333 trước Công nguyên, Alexander Đại đế đã bị thách thức tháo nút thắt Gordian. Nhưng thay vì cố gắng tháo nó ra, ông đã kịch tính cầm thanh kiếm của mình và cắt đứt nó.
Theo Lord Ashcroft, ông Donald Trump không phải là người kiên nhẫn. Sau khi nhiều lần hứa sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình chỉ trong vòng 24 giờ, ông có thể quyết định sử dụng thanh kiếm ẩn dụ của chính mình để cắt đứt để tìm ra giải pháp nhanh chóng.
Thật dễ hiểu tại sao ông Trump lại bị cám dỗ bởi cách tiếp cận như vậy: Chấm dứt một cuộc xung đột đã làm thế giới điêu đứng, và vinh dự khi tìm được một thỏa thuận mà người tiền nhiệm của ông không làm được.
Rủi ro là thay vì mang lại một giải pháp công bằng và lâu dài, Ukraine có thể phải đối mặt với một "thỏa thuận hòa bình vô trách nhiệm" không thể kéo dài.