Trong vụ đông xuân năm ngoái, gia đình bà Vũ Thị Lựu (ngụ xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) bội thu từ việc trồng gần 1ha ngô lai TM181. Giống ngô này gia đình bà Lựu được Trạm Ngô phía Nam (Viện Nghiên cứu Ngô) hỗ trợ trồng thử nghiệm. Lúc đầu, gia đình bà khá lo lắng vì đây là giống mới, chưa trồng bao giờ, không biết năng suất thế nào, có phù hợp với thời tiết ở Đắk Lắk hay không... Tuy nhiên, quá trình ngô đóng bắp bà thấy ngày càng yên tâm vì hầu hết cây cho bắp to, đều, kiểm tra thử thấy hạt đóng kín bắp.
"So với các giống ngô khác trước đây gia đình trồng thì năng suất giống TM181 có thể tương đương. Tuy nhiên, chi phí đầu tư khi trồng giống ngô lai TM181 thấp hơn rất nhiều, trong khi năng suất đạt gần 9 tấn/ha", bà Lựu phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư M'gar cho biết, qua thời gian đưa vào sản xuất, giống ngô lai TM181 cho thấy có nhiều ưu điểm bởi hạt phủ kín bắp; rất kín đầu bi nên khi gặp mưa nhiều cũng không bị thối hạt. Đặc biệt, bắp rất đều hạt, vỏ hạt sáng bóng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư M'gar cho biết thêm, sau thời gian trồng thử nghiệm, giống ngô lai TM181 đạt năng suất hơn 9 tấn/ha, cao vượt trội so với các giống ngô trước đây bà con địa phương sản xuất. "Tập quán người dân tại địa phương là hay xịt thuốc cỏ và bón phân nhiều. Đối với giống ngô lai TM181 tại mô hình trồng thử nghiệm, chỉ phun thuốc 1 lần và bỏ phân bằng một nửa so với những giống khác nhưng năng suất vẫn vượt trội. Đây là ưu điểm lớn nhất", ông Thông nói thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Duy Duyên, Trạm trưởng Trạm Ngô phía Nam cho biết, giống ngô lai TM181 đã được Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) công nhận lưu hành theo Quyết định số 330/QĐ-TT-CLT ngày 2/11/2022 cho các vụ, vùng trồng ngô tại các tỉnh phía Bắc. Sau đó, Viện Nghiên cứu Ngô đã mở rộng công nhận lưu hành cho các vụ, vùng trồng ngô ở Tây Nguyên.
Theo ông Duyên, giống ngô lai TM181 được phát triển từ tổ hợp lai TH20 x CN6745. Giống có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm chín trung bình sớm, khoảng 107 - 111 ngày trong vụ xuân - tương đương DK9901 và ngắn hơn đối chứng DK6919 là 1 ngày; 110 - 116 ngày trong vụ hè thu; 107 - 122 ngày trong vụ đông và ngắn hơn DK9901 và DK6919 là 2 - 5 ngày.
Giống ngô lai TM181 có chiều cao cây và chiều cao đóng bắp trung bình, cấu trúc bắp và màu sắc đẹp; khả năng chịu hạn, chịu rét rất tốt; khả năng chống đổ gãy rất tốt, chỉ nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại như đục thân, đục bắp, rệp cờ, khô vằn, đốm lá, thối thân...
Cũng theo ông Duyên, giống ngô lai TM181 là một trong những giống rất là triển vọng khi triển khai trên diện rộng tại khu vực Tây Nguyên.
Mới đây, tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cũng giới thiệu tới bà con nông dân giống ngô lai đơn F1 chuyển gen NK6101BGT. Giống ngô này đã được các nhà khoa học Syngenta nghiên cứu và đưa về thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 2017.
Trải qua hàng ngàn cuộc khảo nghiệm đánh giá, giống ngô NK6101BGT với công nghệ chuyển gen BGT đã chứng minh được ưu thế vượt trội, được Bộ NNPTNT công nhận vào tháng 10/2023.
Trước khi được giới thiệu chính thức với nông dân trồng ngô, giống NK6101BGT đã trải qua hàng trăm khảo nghiệm lớn nhỏ trong suốt 5 năm, trong nhiều mùa vụ và tại 5 vùng sinh thái khác nhau trên phạm vi cả nước, từ trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đến ĐBSCL và đều thu nhận được những kết quả tích cực.
Theo đó, thời gian sinh trưởng của giống ngô lai đơn F1 chuyển gen NK6101BGT ở khu vực miền Bắc là 110 – 120 ngày; miền Nam là 100 – 110 ngày, có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Với nhiều ưu điểm vượt trội, giống ngô lai đơn F1 chuyển gen NK6101BGT không chỉ phòng trừ sâu đục thân hiệu quả mà năng suất hạt cũng rất cao, có thể đạt hơn 9 tấn/ha.
"Giống NK6101BGT mang 2 gen kháng sâu Bt11 và TC1507 với hiệu lực kháng sâu lâu dài, bền vững sẽ giúp bà con tại các tỉnh Tây Nguyên và phía Nam có thêm một lựa chọn ưu việt và đáng tin cậy nhằm phát triển các vùng trồng ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi" - đại diện Syngenta cho biết.
Theo một kết quả nghiên cứu, khảo sát của Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum ở Tây Nguyên cho thấy, các địa phương này có lợi thế phát triển ngành kinh doanh cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ nhờ có điều kiện tự nhiên phù hợp và diện tích sản xuất sắn, ngô lớn so với cả nước.
Năng suất ngô ở Tây Nguyên cao so với các vùng khác của cả nước và liên tục tăng trong những năm gần đây. So sánh hiệu quả kinh tế cho thấy cây ngô và cây sắn có khả năng cạnh tranh khá cao với các cây hàng năm khác ở Tây Nguyên.
Hiện thực hoá nỗi "trăn trở" của ngành chăn nuôi
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, khu vực Tây Nguyên có trên 5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 91,75% diện tích tự nhiên), khí hậu thuận lợi thích hợp cho trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp và cây ăn quả. Bên cạnh đó, khu vực này có trên 4 triệu con gia súc, 30 triệu con gia cầm, do đó việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ giúp bà con nông dân tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực.
Trước đó, kết quả nghiên cứu, khảo sát của Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum ở Tây Nguyên vào năm 2023 cho thấy, các địa phương có lợi thế phát triển ngành kinh doanh cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ nhờ điều kiện tự nhiên phù hợp và diện tích sản xuất sắn, ngô lớn so với cả nước.
Hiện năng suất ngô ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên đạt trung bình khoảng 5,99 tấn/ha, cao hơn so với các vùng khác của cả nước (4,93 tấn/ha), riêng ngô chuyển gene có thể cho năng suất lên tới 8-9 tấn/ha. Giá thành sản xuất ngô, sắn tại Tây Nguyên không quá cao (ngô từ 5.500-8.000 đồng/kg; sắn từ 4.400-5.500 đồng/kg).
Các con số này cho thấy cây ngô, cây sắn có khả năng cạnh tranh khá cao với các cây trồng ngắn ngày khác ở Tây Nguyên cũng như với ngô nhập khẩu.
Đặc biệt, các địa phương hoàn toàn có thể tạo vùng nguyên liệu cây ngô, sắn phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nếu chúng ta nâng cấp, đổi mới chuỗi giá trị cho cây ngô, sắn, bao gồm việc đưa giống mới năng suất cao, kháng bệnh, áp dụng các gói kỹ thuật phù hợp, bón phân cân đối, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, thu gom… để giảm giá thành sản phẩm, từ đó giảm phụ thuộc vào nguồn ngô nhập khẩu.
Về giống ngô, đại diện Viện Nghiên cứu Ngô cho biết, hiện nay Viện có gần 100 giống ngô, trong đó 30 giống đang được phối hợp để triển khai kinh doanh, sản xuất với các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước. Nhiều giống ngô ưu việt đã và đang được ứng dụng vào sản xuất trong vòng 30 năm nay.
Để hiện thực hoá nỗi trăn trở của ngành chăn nuôi khi năm nào cũng phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu ngô từ nước ngoài, một số doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu đang phối hợp nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại khu vực Tây Nguyên để liên kết trồng ngô, sắn quy mô lớn.
Theo đó, ông Koen de Heus – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan đã cam kết tăng cường thu mua nhiều ngô hơn từ thị trường nội địa để phát triển chuỗi chăn nuôi bền vững. Cụ thể, phần lớn số ngô này sẽ được De Heus sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đàn gà thịt, thông qua đó cải thiện tính tuần hoàn của toàn bộ chuỗi giá trị gà thịt nói riêng và chuỗi chăn nuôi nói chung.
Được biết, hàng năm, doanh nghiệp này cần khoảng 1,2 triệu tấn ngô để phục vụ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, tương đương diện tích sản xuất lên đến 100.000ha. Tuy nhiên, lâu nay De Heus cũng như các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác đều phải nhập khẩu ngô từ nước ngoài (năm 2023 các doanh nghiệp phải chi tới 2,88 tỷ USD để nhập khẩu trên 9,71 triệu tấn ngô).
Do đó, trong xu hướng phát triển dài hạn, Tập đoàn này mong muốn cùng chung tay cùng với các đối tác liên kết, các HTX và Bộ NNPTNT triển khai dự án vùng nguyên liệu trồng ngô, sắn lớn tại Tây Nguyên nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời ổn định một phần nguồn cung ngô nguyên liệu cho doanh nghiệp...