Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ là bộ sách lịch sử của triều Nguyễn ghi chép về thời vua Khải Định, bộ sách này hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV – Đà Lạt còn giữ 26 tờ mộc bản. Từ đó có thể thấy bộ sách này đã bị thất lạc rất nhiều so với bản chép tay...
Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ là bộ sách lịch sử của triều Nguyễn ghi chép về thời vua Khải Định, bộ sách này hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV – Đà Lạt còn giữ 26 tờ mộc bản.
Từ đó có thể thấy bộ sách này đã bị thất lạc rất nhiều so với bản chép tay. Trong bộ sách này có những quy định về việc săn bắn ở Lâm Viên, hay là việc vua Khải Định muốn xây dựng Đà Lạt thành một thị xã lớn, bên cạnh đó vua còn muốn cho người đi kinh lý khảo sát Lâm Viên, đặt người cai quản Đồng Nai Thượng và Đà Lạt…
Trong thời gian trị vì của mình, vua Khải Định đã từng phái Thượng thư Bộ công Đoàn Đình Duyệt kinh lý Đà Lạt và cao nguyên Lâm Viên, những ghi chép của ông về một Đà Lạt mộng mơ đã đến được với nhà vua.
Từ đó mà ý thức muốn thành lập một thị xã lớn thuộc Trung Kỳ với những ý tưởng vượt thời đại lúc bấy giờ, đó là ý nghĩ xây dựng một tuyến xe lửa lên Đà Lạt.
Vua nói với các bề tôi “Toàn quyền đại thần nghĩ muốn kinh lý đất Đà Lạt để xây dựng một thị xã lớn lệ vào Trung Kỳ mà không thuộc quyền quản trị của Công sứ Lâm Viên, lại nghĩ xây dựng một tuyến đường xe lửa để tiện thông hành. Trẫm cho rằng nếu kinh lý đất ấy thành công thì sẽ rất có ích. Vả lại trẫm từng nghe người phương Tây nói đất Đà Lạt khí hậu rất tốt, hơn hẳn Luzon. Thượng thư Bộ công Đoàn Đình Duyệt tâu nói Vùng thượng du nước ta không chỉ có một nơi Đà Lạt, còn có nơi có thể khai thác như một dải ven núi Mỹ Đàn ở Quỳ Châu, Nghệ An, nếu kinh lý được thì tương lai có thể trờ thành một vùng đất lớn”.
Bên cạnh đó là việc đặt ra những quan lại để quản lý địa bàn thuộc Đồng Nai Thượng và Đà Lạt.
Lăng mộ vua Khải Định ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Thanh Toàn.
Đặt nha thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng và thị xã Đà Lạt, tỉnh Đồng Nai thượng đặt Kinh lịch 1 người, Cửu phẩm 1 người, Thư lại 1 người, Hành nhân 1 người, Chánh đội 1 người, binh 30 người lương bổng do ngân sách Nam triều chi cấp. Thành phố Đà Lạt đặt Bát phẩm 1 người, Trú dịch 1 người, Thư lại 3 người, Phó đội 1 người, binh 20 người, lương bổng do ngân sách Phủ Toàn quyền chi cấp. Những công việc của Lâm Viên thời bấy giờ cũng được vua hết sức quan tâm.
Một sự kiện xảy ra khi Phó Quản đạo Lâm Viên Nguyễn Văn Dụng vì giấu diếm việc chôn cất mẹ không báo, bị bề tôi Khoa đạo tâu hặc.
Vua nghe được truyện này đã nói rằng “đã làm hại đạo hiếu lại tổn thương phong hóa, phê giao cho Cơ mật viện nghĩ bàn. Bề tôi ở viện cho rằng lần này Văn Dụng đã trình với Công sứ Đà Lạt biết và thỏa thuận, vả lại đã đến hạn tuổi, nên phụng chuẩn cho về hưu nên miễn xử tội chờ vua định đoạt. Vua đặc cách miễn cho”.
Như vậy, Đà Lạt – Lâm Viên, Đồng Nai Thượng thời vua Khải Định đã được quan tâm rất nhiều, từ việc khảo sát đến việc cắt cử người cai quản, rồi đến việc vua trực tiếp xét xử những quan lại vi phạm pháp luật…
Điều đó cho thấy triều đình nhà Nguyễn thời vua Khải Định đã chú trọng đến việc phát triển cho Đà Lạt thành một thị xã lớn như mong mỏi của vua Khải Định.
Những thông tin của Đoàn Đình Duyệt viết về Đà Lạt phần nào đã làm cho vua Khải Định muốn xây dựng một tuyến đường sắt lên Đà Lạt cho thuận tiện.
Như thế cũng đủ để thấy rằng Đà Lạt không chỉ hấp dẫn đối với người Pháp mà những người đứng đầu nhà nước thời bấy giờ cũng đã để ý quan tâm, mặc dù vua Khải Định chưa một lần lên Đà Lạt, nhưng ước muốn của vua sau này được vua Bảo Đại kế vị đã từng thành lập Hoàng triều cương thổ trên mảnh đất Lâm Viên thơ mộng này.