Dân Việt

Ai phải chịu trách nhiệm vụ hơn 300 người ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu?

Quang Trung 03/12/2024 06:34 GMT+7
Kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm lấy tại tiệm bánh mì Cô Ba Bến Đình (TP.Vũng Tàu) phát hiện bị nhiễm khuẩn, gây ngộ độc 379 người. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.

Nguyên nhân khiến hơn 300 người ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra thông báo kết quả xét nghiệm các thực phẩm đầu vào tại tiệm bánh mì, xôi gây ra vụ ngộ độc cho 373 người dân ở TP. Vũng Tàu.

Theo đó, các mẫu xét nghiệm được lấy từ tiệm bánh mì, xôi Cô Ba Bến Đình (số 6 đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TP Vũng Tàu) gồm thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, nước xốt thịt heo và rau sống ăn kèm phát hiện có nhiễm vi khuẩn salmonella.

Cơ quan chức năng đã kết luận, các mẫu thực phẩm nói trên không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

Ghi nhận của Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đến đến nay có 379 người nhập viện điều trị, trong đó có một trường hợp là cụ ông 71 tuổi tử vong nghi do ăn bánh mì.

Đây là vụ ngộ độc có số lượng nạn nhân lớn nhất TP.Vũng Tàu những năm qua. Hàng trăm người nhập viện với triệu chứng đau bụng, sốt cao, tiêu chảy nhiều lần sau khi ăn bánh mì mua từ tiệm bánh mì Cô Ba Bến Đình trên đường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu, chiều và tối ngày 26, và sáng sớm 27/11.

Ai phải chịu trách nhiệm vụ hơn 300 trăm người ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu?- Ảnh 1.

Tiệm bánh mì, xôi Cô Ba Bến Đình nơi xảy ra sự việc. Ảnh: CAND.

Bánh mì bán chủ yếu ở tiệm là bánh mì thập cẩm gồm thịt luộc, chà bông, bơ, patê, chả lụa, nước sốt, đồ chua, hành.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo giao vụ việc cho cơ quan công an điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định. Quan điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là sẽ xử lý nghiêm, nếu phát hiện sai phạm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra toàn diện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý ngay khi có kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng.

Ai phải chịu trách nhiệm trong vụ người dân ngộ độc bánh mì

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, để xảy ra ngộ độc thực phẩm chết người là vụ việc có dấu hiệu tội phạm về vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc để xác minh sự việc, nếu có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm dẫn đến hậu quả chết người, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự.

Hậu quả của sự việc này đã khiến một người tử vong, đây là vấn đề rất đáng lo ngại trong cộng đồng, cho thấy nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm có thể xảy ra bất cứ khi nào và bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân nên vấn đề tăng cường các biện pháp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay là rất cần thiết, đặc biệt là thức ăn đường phố, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ cơ sở Cô Ba Bến Đình hoạt động quy mô như thế nào, có thuộc trường hợp phải được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, các thực phẩm cơ sở này mua có đảm bảo an toàn hay không, việc chế biến, bảo quản, lưu mẫu được sử dụng như thế nào, trên cơ sở các quy định của luật vệ sinh an toàn thực phẩm để xác định có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm hay không.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân, lấy mẫu thức ăn, nguồn nước và các thực phẩm mà cơ sở đã sử dụng trong thời điểm sự việc xảy ra để kiểm nghiệm nhằm xác định độc tố, nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến hậu quả có người sử dụng thực phẩm đã tử vong, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người quản lý hoạt động kinh doanh về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự để xử lý.

Điều 317 Bộ luật hình sự quy định, người nào vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà làm chết người hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người… bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 đến 7 năm.

Trường hợp làm chết 2 người hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, theo ông Cường, về nguyên tắc, người nào có lỗi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Trong đó có trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Vì vậy, nếu xác định được người đã có lỗi để sự việc xảy ra, người có lỗi phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.