Còn khoảng 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng Tết đã bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một loạt hệ thống siêu thị như Co.opmart, MM Mega Market, GO!, Aeon… đều đã tung sản phẩm bao bì Tết thuộc các ngành hàng bánh kẹo, hóa mỹ phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa mấy quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Hòa - khách hàng mua sắm tại MM Mega An Phú, TP.Thủ Đức, cho biết bà chưa quan tâm đến mặt hàng phục vụ thị trường Tết. Bà chỉ cho vào giỏ hàng một số loại thực phẩm tươi sống dùng hàng ngày.
“Nhân viên bánh kẹo tiếp thị hàng Tết nhiều nhưng tôi cho rằng bây giờ cũng hơi sớm. Thực ra, dù Tết đã gần nhưng tôi chưa quan tâm lắm vì mình còn nhiều thứ phải lo, cũng chưa nghĩ đến việc phải mua sắm gì cho Tết. Có thể năm nay tôi sẽ mua sắm tiết kiệm hơn và chỉ chi tiêu vừa đủ khi gần Tết”, bà Hòa nói.
Không khí mua sắm cuối năm nay cũng trở nên trầm lắng hơn bao giờ hết. Black Friday vừa qua, tại TP.HCM, khách chỉ có phần đông hơn vào cuối ngày. So với các năm trước, nhiều cửa hàng đều đánh giá thấp hơn nhiều. Dù chuẩn bị trước nhiều kịch bản như mở cửa sớm, đóng cửa muộn nhưng tình trạng chung gặp phải là vắng khách.
Nhìn về thị trường Tết, đại diện một hệ thống siêu thị cho biết khách hàng Tết Nguyên đán của họ hàng năm lên đơn giỏ quà từ rất sớm nhưng năm nay đến thời điểm này vẫn rất ít.
“Chúng tôi phải chủ động liên hệ, chào giỏ quà Tết với các đối tác và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, doanh nghiệp có xu hướng giảm giá trị giỏ quà tặng, họ yêu cầu mỗi giỏ quà chỉ từ 300.000 đồng và chuộng những sản phẩm có giá trị tương đối thấp để trông giỏ quà khi gói lại trông xôm xôm hơn”, vị này nói.
Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết, đơn vị đã chuẩn bị ngân sách 540 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ để thực hiện kế hoạch chuẩn bị hàng Tết 2025. Trong đó, đối với thực phẩm tươi sống, dự kiến cung ứng ra thị trường gần 930 tấn; thực phẩm chế biến khoảng 3.700 tấn (tăng 5 - 8% so với dịp Tết 2024).
Theo ông Dũng, 3 quý đầu năm 2024, sức mua giảm 10-20%. Nhiều chuyên gia kỳ vọng sức mua khởi sắc trong quý cuối năm và dịp Tết 2025. Tuy nhiên, Vissan dự đoán sức mua cũng sẽ chỉ tăng khoảng 10%. Mức tăng này chưa bằng năm ngoái.
“Do đó, ngoài việc nâng chất lượng sản phẩm, bản thân doanh nghiệp phải có ngân sách để làm các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu đến 30% nhằm kéo khách đến mua sắm thì mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra vì năm nay thực sự khó khăn”, ông Dũng nói.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết thời điểm này, các doanh nghiệp thuộc hội đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để đưa ra thị trường, cam kết phục vụ cao điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 20 ngày.
Tuy nhiên, theo bà Chi, vấn đề các doanh nghiệp gặp phải năm nay là giá nguyên vật liệu tăng; gần như nguyên vật liệu sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, bún, mì, phở khô... đều tăng. Ngoài ra, sức mua cũng tương đối chậm.
Trước tình hình này, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết để kích thích nhu cầu, các doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá bán, đưa ra mẫu mã mới đa dạng và tham gia nhiều chương trình khác nhau để giới thiệu khách hàng.
Theo đại diện Bách Hóa Xanh, Tết Nguyên đán năm nay rất gần với Tết Tây vì vậy rất có khả năng sức tiêu dùng tổng giai đoạn Tết sẽ có thể yếu hơn năm trước.
Doanh nghiệp này xác định sẽ làm hết mình để kích cầu mua sắm của khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đúng nhu cầu, cũng như giúp khách hàng mua sắm thuận tiện thông qua kênh online.