Ngày 2/12, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội tổ chức hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á với chủ đề xuyên suốt: "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững", hội nghị đã thu hút hàng nghìn đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải; lãnh đạo các bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024" không chỉ là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
"Sự kiện hôm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch, và môi trường bền vững… Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững" - ông Hải nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, trong bài viết ngày 2/9/2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất." Những tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược đó chính là kim chỉ nam để Hà Nội tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng "3 trụ cột 1 nền tảng", là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nền tảng là văn hoá và công dân số, an ninh an toàn trên không gian mạng.
"Hội nghị này cũng là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết mạnh mẽ của Hà Nội trong việc tạo lập một môi trường hợp tác đa cấp độ, kết nối toàn cầu, kết nối chặt chẽ doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu, các chuyên gia nhà khoa học, với chính quyền và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển xanh, thông minh, bền vững" – ông Hải khẳng định.
Tại hội nghị, nói về quá trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho biết, mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng Thủ đô đã chọn được cách tiếp cận khác hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả phục vụ, hạnh phúc của người dân.
Điều này có thể thấy qua những thành tựu lớn mà Hà Nội đã đạt được như: Sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm BTS, và cáp quang tới 100% hộ gia đình; iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản. 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối CSDL quốc gia, và hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai…
Cùng với Hà Nội, các địa phương khác cũng đã ghi nhận được nhiều bước tiến lớn trong việc xây dựng thành phố thông minh. Có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 50 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh, và gần 200 IOC cấp huyện. Tính đến hết năm 2023, cả nước có 902 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á.
Xây dựng Hà Nội tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bền vững
Giới thiệu tổng quan về Đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Hà Nội phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng "Văn hiến - văn minh - xanh - thông minh - hiện đại".
Việc phát triển thành phố Hà Nội theo hướng đô thị thông minh đòi hỏi các giải pháp kinh tế hỗ trợ mạnh mẽ cho ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tối ưu các nguồn lực. Các giải pháp này sẽ giúp thành phố chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển bền vững, và cạnh tranh ở tầm quốc tế.
Trong đó, Hà Nội sẽ phát triển kinh tế số và dịch vụ thông minh, trở thành trung tâm dịch vụ lớn với các lĩnh vực, như tài chính, thương mại điện tử, du lịch và giáo dục số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật… để nâng cao chất lượng. Trung tâm tài chính quốc tế và triển lãm quốc tế sẽ thúc đẩy hợp tác và thu hút đầu tư vào công nghệ cao.
Hà Nội sẽ chuyển đổi khu công nghệ cao, khu công nghiệp theo hướng sáng tạo, tập trung vào sản phẩm giá trị cao, tích hợp công nghệ thông minh trong quản lý, giúp thành phố tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, Hà Nội định hướng phát triển nông nghiệp đô thị thông minh, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, bảo vệ môi trường và cung cấp thực phẩm an toàn cho cư dân thành phố, gắn liền với đô thị hóa bền vững.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (2 và 3/12), ngoài phiên họp toàn thể sáng nay, còn có 7 phiên hội thảo chuyên đề.
Cùng với đó, thành phố sẽ áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó biến đổi khí hậu. Thành phố sẽ phát triển đồng bộ khu vực nhà nước, tư nhân và kinh tế tập thể, đồng thời phát triển các thị trường số, thúc đẩy dịch vụ tài chính, ngân hàng và bất động sản trên nền tảng số…
Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như Giao thông đô thị, Bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch và Bảo vệ môi trường nước, không khí. Để giải quyết được các ưu tiên này, Đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm cho từng ngành, từng lĩnh vực.
"Thời gian tới Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững. Hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một thành phố tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bền vững trong nước và khu vực" – ông Hùng chia sẻ.