Dân Việt

Phú Yên: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển toàn diện

T.Nhung 04/12/2024 08:06 GMT+7
Trong năm 2024, tỉnh Phú Yên đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát huy những tiềm năng lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho người dân.

Kinh tế tăng trưởng khá

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên: Trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các hoạt động kinh tế của tỉnh Phú Yên cơ bản ổn định và có bước tăng trưởng, một số lĩnh vực đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Phú Yên: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Năm 2024, kinh tế của tỉnh Phú Yên cơ bản ổn định và có bước tăng trưởng khá. Ảnh: Đoàn Hồng

Ước tính năm 2024, Phú Yên đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu kế hoạch (3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn)".

Năm 2024, tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh được duy trì ổn định, với tổng giá trị sản xuất ước đạt 14.455 tỷ đồng, tăng 3,95% so với cùng kỳ. Địa phương tập trung phát triển nhóm cây trồng chính (lúa, ngô, mía, sắn), các cây trồng khác được chuyển đổi sản xuất linh hoạt gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đẩy mạnh phát triển theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, phù hợp lợi thế từng vùng. Hiện toàn tỉnh Phú Yên có 113 trang trại chăn nuôi, trong đó có 3 trang trại đang hoạt động hợp chuẩn hợp quy theo quy định.

Phú Yên: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển toàn diện - Ảnh 2.

Hoạt động các làng nghề, hợp tác xã ổn định và hiệu quả ngày càng cao. Ảnh: Khánh Ngân

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng về nuôi trồng, đa dạng đối tượng nuôi, kiểm soát kỹ về giống nuôi. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt hơn 87.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực kinh tế tập thể được duy trì hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thành viên; mở rộng liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tỉnh Phú Yên có 71 Tổ hợp tác, 203 Hợp tác xã , 2 Liên hiệp Hợp tác xã, 4 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, đáp ứng yêu cầu thị trường và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công nghiệp, du lịch động lực tăng trưởng

Về sản xuất công nghiệp, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Phú Yên đã tập trung chỉ đạo Tổ công tác 1312 kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, phải thực hiện nhất quán, rõ ràng, minh bạch, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển. Do đó, hoạt động sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 25.379,8 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Phú Yên: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển toàn diện - Ảnh 3.

Dự kiến thu hút 4 triệu lượt khách du lịch đến với Phú Yên, tăng 25% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt 30.000 lượt, tăng 51,9%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ. Ảnh: Hùng Phiên

Phú Yên sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng điện gió, điện mặt trời; hóa dược, phân bón; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất các sản phẩm thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp tự động hóa....

Đồng thời, tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án trước đây để tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Hòa Phát hoàn thiện các thủ tục đầu tư 3 dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng Bãi Gốc, nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Thị trường hàng hóa và sức mua của người dân duy trì tăng trưởng; hàng hóa lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; công tác xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh.

Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 55.280,6 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, các doanh nghiệp tập trung thực hiện các đơn hàng đã ký kết và tích cực mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới, tiềm năng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 320 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 190 triệu USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch đưa ra các gói sản phẩm kích cầu du lịch với giá ưu đãi và chất lượng, góp phần thu hút 4 triệu lượt khách du lịch đến với Phú Yên, tăng 25% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt 30.000 lượt, tăng 51,9%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ.

Phú Yên: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển toàn diện - Ảnh 4.

Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 64/82 xã đạt chuẩn NTM (đạt 78%), trong đó có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Ảnh: Khánh Ngân

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Phú Yên. Đến nay, toàn tỉnh có 64/82 xã đạt chuẩn NTM (đạt 78%), trong đó có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu sản xuất, 25 thôn/khu dân cư NTM kiểu mẫu...; duy trì 2 huyện đạt chuẩn NTM.

Thời gian tới, tỉnh Phú Yên tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, nâng cao thu nhập cho người dân...