Dân Việt

6 giải pháp khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Lê Thọ Bình 03/12/2024 11:43 GMT+7
Làm thế nào để không cắt giảm bộ máy, nhân sự một cách cơ học, đồng thời xử lý nguồn nhân lực dôi dư một cách hợp lý là bài toán khó, nhưng cần được tháo gỡ. Người viết xin phép nêu ra 6 giải pháp lớn để quý vị cùng tham khảo.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH TƯ Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" diễn ra sáng 1/12/2024 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: "Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ".

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy Đảng và Nhà nước là một chủ trương lớn mang ý nghĩa chiến lược trong việc cải tổ và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành đất nước. Tuy nhiên, việc xử lý số biên chế dôi dư là một bài toán cần được giải quyết cẩn thận, đảm bảo không gây mất ổn định xã hội và tạo cơ hội chuyển đổi cho người lao động.

"Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém. Với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức" - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

6 giải pháp khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế tổ chức ngày 1/12/2024. Ảnh: Phạm Cường (Báo điện tử Đảng Cộng sản)

Vậy những giải pháp nào cần được đưa ra để đảm bảo việc "tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học" (như chỉ đạo của Tổng Bí thư), mà là lựa chọn được những cán bộ thực sự tài năng, đảm nhận tốt chức năng nhiệm vụ được giao; đồng thời những nhân sự dôi dư được tái sắp xếp, chuyển công việc, đào tạo lại phù hợp với công việc mới… để ổn định cuộc sống cho cán bộ công chức?

Qua nghiên cứu, trao đổi với một số chuyên gia chính trị học, các nhà quản lý có kinh nghiệm trong công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị cũng như tham khảo từ thực tiễn một số quốc gia từng tổ chức sắp xếp lại bộ máy, người viết xin được nêu ra 6 giải pháp lớn mà chúng ta cần/nên triển khai thực hiện khi tiến hành sáp nhập, tinh gọn bộ máy.

Một là, đánh giá năng lực và tái phân bổ nguồn nhân lực. Trước hết cần phân loại cán bộ, công chức, viên chức: Tiến hành rà soát năng lực, trình độ chuyên môn và hiệu quả công tác của từng người. Những người có năng lực phù hợp có thể được tái bố trí vào các vị trí khác còn thiếu nhân lực hoặc phù hợp với khả năng của họ.

Chuyển giao giữa các đơn vị: Nếu một số đơn vị hoặc địa phương thừa cán bộ nhưng các địa phương khác lại thiếu, có thể thực hiện việc điều chuyển, đảm bảo nguồn nhân lực được sử dụng hiệu quả.

Hai là, đào tạo lại và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng: Hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư học thêm các kỹ năng mới để họ có thể chuyển đổi sang những ngành nghề khác hoặc đáp ứng yêu cầu công việc mới.

Khuyến khích chuyển đổi sang khu vực tư nhân: Hỗ trợ thủ tục, cung cấp thông tin và thậm chí cấp kinh phí để cán bộ dôi dư có thể khởi nghiệp hoặc tìm việc trong khu vực tư nhân.

Ba là, chính sách nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ việc có chế độ. Theo đó, chính sách nghỉ hưu trước tuổi: Khuyến khích những người đã gần tuổi nghỉ hưu tự nguyện nghỉ hưu sớm với các chế độ đảm bảo quyền lợi đầy đủ.

Hỗ trợ tài chính khi nghỉ việc: Đưa ra mức bồi thường hoặc trợ cấp đủ hấp dẫn để những cán bộ không phù hợp tự nguyện rời khỏi bộ máy mà không gây mâu thuẫn hoặc mất ổn định.

6 giải pháp khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Lê Thọ Bình. Ảnh: DV

Bốn là cơ chế minh bạch và công bằng. Theo đó, cần phải công khai tiêu chí và quy trình sắp xếp: Đảm bảo mọi cán bộ, công chức hiểu rõ lý do và cơ sở của việc sắp xếp lại biên chế.

Thành lập hội đồng giám sát: Các cơ quan độc lập hoặc tổ chức đại diện có thể tham gia giám sát quá trình tinh gọn để đảm bảo không xảy ra sai sót hoặc tiêu cực.

Năm là đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính sách an sinh: Đối với các trường hợp khó khăn sau khi nghỉ việc, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính, bảo hiểm xã hội, hoặc các chương trình việc làm cộng đồng để họ sớm ổn định cuộc sống.

Quỹ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp: Thành lập các quỹ để hỗ trợ tài chính và đào tạo cho cán bộ trong quá trình chuyển đổi.

Và cuối cùng là thay đổi tư duy và văn hóa quản lý. Trong đó, cần nhất là tạo động lực tích cực, biến việc tinh gọn bộ máy thành cơ hội đổi mới, khích lệ những người còn lại nâng cao năng suất làm việc.

Cải thiện môi trường làm việc: Bảo đảm bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin và động lực để cán bộ dôi dư chấp nhận thay đổi.

Việc thực hiện thành công chủ trương này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành và sự đồng thuận từ người lao động. Các giải pháp cần được thực hiện một cách công tâm, minh bạch, lấy con người làm trung tâm, qua đó không chỉ giải quyết vấn đề hiện tại mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, "mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển", đúng như lời Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi.