Sở GDĐT TP.HCM cho biết, khảo sát mức độ hài lòng của phụ huynh và học sinh với dịch vụ giáo dục công được diễn ra nhằm mục đích đánh giá một cách khoa học, khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở giáo dục công lập ở các cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tại Thành phố.
Đồng thời, kết quả khảo sát là cơ sở để Sở GDĐT và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố xác định nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh nhằm có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục công trên địa bàn.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong 19.004 người tham gia (gồm 14.128 phiếu từ phụ huynh và 4.876 phiếu từ học sinh), có đến 96,60% phụ huynh và 95,79% học sinh hài lòng với dịch vụ giáo dục công của Thành phố.
Qua phân tích, tỉ lệ hài lòng chung của phụ huynh ở cấp Mầm non cao nhất trong các cấp học, trong đó tiêu chí môi trường giáo dục ở cấp Mầm non đạt 99,65%, thấp nhất ở tiêu chí khả năng tiếp cận tiếp cận giáo dục đối với dịch vụ giáo dục ở trường cấp Trung học phổ thông đạt 95,20%.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tỉ lệ hài lòng chung của phụ huynh theo cấp học đạt tỉ lệ cao và khoảng cách tỉ lệ hài lòng của phụ huynh giữa các cấp học tương đối đồng đều.
Cùng với đó, tỉ lệ hài lòng chung của phụ huynh theo địa bàn quận huyện cao nhất ở quận 1, trong đó tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở quận 1 đạt 97,80%, thấp nhất ở tiêu chí khả năng tiếp cận tiếp cận giáo dục đối với dịch vụ giáo dục ở huyện Nhà Bè đạt 95,97%.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tỉ lệ hài lòng chung của phụ huynh theo địa bàn quận huyện đạt tỉ lệ cao và khoảng cách tỉ lệ hài lòng của phụ huynh giữa các quận huyện tương đối đồng đều.
Đối với học sinh, tỉ lệ hài lòng chung của học sinh đối với các dịch vụ giáo dục công được đánh giá cao và tương đối đồng đều ở tất cả các tiêu chí, cao nhất đạt 96,92%, thấp nhất đạt 95,08%.
Theo đánh giá của Sở GDĐT TP.HCM, kết quả khảo sát hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn Thành phố năm 2024 đã phần nào phản ánh một cách khách quan những nỗ lực của ngành GDĐT Thành phố trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục.
Cụ thể là việc triển khai thực hiện xây dựng "Trường học hạnh phúc", "Lớp học hạnh phúc"; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học; tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động giáo dục trải nghiệm, sáng tạo của học sinh để các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Cùng với đó là công tác phối hợp thường xuyên, mật thiết giữa nhà trường - chính quyền địa phương - gia đình - xã hội, từ việc học sinh bắt đầu tới lớp, tới trường mạnh khỏe đến việc học sinh trở về đến gia đình an toàn được lãnh đạo Thành phố quan tâm chỉ đạo.
Điểm hài lòng chung, tỉ lệ hài lòng chung và tỉ lệ đáp ứng so với mong đợi của phụ huynh và học sinh chính là các tiêu chí tiếp cận dịch vụ giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường giáo dục, hoạt động giáo dục và sự phát triển và tiến bộ của người học đạt ở mức cao. Điều này chứng tỏ việc xây dựng cách tiếp cận giáo dục trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Thành phố đang được đầu tư, quan tâm, phát triển, trong đó chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Bên cạnh đó, những tồn tại mà ngành GDĐT Thành phố luôn phải đối diện là khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, ở tiêu chí này cả điểm hài lòng chung của học sinh và phụ huynh đều đạt tỉ lệ thấp.
Tồn tại này được lý giải do tốc độ gia tăng dân số nhanh của Thành phố, đặc biệt là gia tăng dân số cơ học, tốc độ mở rộng quy mô trường lớp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của người dân. Diện tích sân chơi trong trường còn thấp, sĩ số học sinh trong lớp cao, tỉ lệ học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh Thành phố. Đó cũng là rào cản, là thử thách lớn nhất đối với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố.