Dự báo người Việt dè dặt mua sắm Tết, doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”
Dự báo người Việt dè dặt mua sắm ăn Tết, doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”
Hồng Phúc
Thứ ba, ngày 03/12/2024 14:28 PM (GMT+7)
Không còn mạnh tay mua sắm ăn Tết, dự báo, năm nay, người Việt sẽ chi tiêu dè dặt và tiết kiệm hơn. Không khí mua sắm hiện nay phần nào phản ánh điều đó.
Theo báo cáo Xu hướng mua sắm Tết 2025 vừa được Kantar Worldpanel Việt Nam công bố, hành vi mua sắm Tết của người Việt dịp Tết Ất Tỵ 2025 sẽ có nhiều thay đổi. Đáng chú ý nhất là khả năng nhiều người sẽ dè sẻn hơn, mua sắm tiết kiệm hơn cho dịp Tết.
Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao thuộc công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước Covid. Điều này tác động nhiều đến hành vi mua sắm của họ.
Cụ thể, trong 4 quý gần đây, tăng trưởng khối lượng FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu tích cực ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn.
Đóng góp giá trị FMCG trong 2 tháng trước Tết đang có dấu hiệu giảm dần do người tiêu dùng có xu hướng đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết, dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn.
Dự báo, người Việt sẽ chi tiêu dè dặt và tiết kiệm hơn trong mua sắm Tết 2025. Ảnh: Hồng Phúc
Chi tiêu tiết kiệm hơn cho mùa Tết mở ra xu hướng kinh doanh mới cho các doanh nghiệp sản xuất. Đó là xu hướng quà tặng FMCG dịp Tết ngày càng hướng đến các sản phẩm thiết thực, tốt cho sức khỏe và phù hợp với túi tiền.
Cụ thể, nhóm sản phẩm thiết thực dùng được cho cả gia đình như dầu ăn, bột gia vị, mì ăn liền, bột ngọt, nước tương, nước mắm… được ưa chuộng. Nhóm sản phẩm đề cao tính tiện lợi và sức khỏe như snack - hạt, bánh mì đóng gói, sữa chua, nước yến… được ưu tiên.
“Với những xu hướng này, dự báo không thể có sự đột biến trong mua sắm nên mùa Tết 2025 sẽ tiết kiệm và thiết thực”, bà Nga nhận định.
Về kênh mua sắm, kênh siêu thị và đại siêu thị được ưa chuộng cho các dịp mua sắm Tết, người tiêu dùng mua sắm ở kênh này nhiều hơn so với các tháng bình thường.
Dịp này, nhãn hiệu riêng của nhà bán lẻ cũng được ưa chuộng hơn, nhất là trong ngành hàng thực phẩm và chăm sóc nhà cửa. Thời gian qua, các nhà bán lẻ đã tăng cường hàng sản phẩm nhãn hàng riêng theo hướng đa dạng danh mục, chủng loại. Điểm đặc biệt của nhóm hàng này là giá rẻ hơn so với mặt hàng cùng loại có thương hiệu.
Hành vi mua sắm Tết của người Việt dịp Tết Ất Tỵ 2025 sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh: Hồng Phúc
Bên cạnh đó, theo bà Nga, kênh online đang thu hút nhiều người mua do tính tiện lợi và da dạng chủng loại mặt hàng. Giai đoạn mua sắm Tết cao điểm trên các kênh online sẽ xảy ra sớm hơn so với các cửa hàng offline.
Thậm chí, ngay từ thời điểm này, nhiều người tranh thủ dịp sale cuối năm như ngày đôi, Black Friday trên các sàn thương mại điện tử để mua mặt hàng chăm sóc nhà cửa, hóa mỹ phẩm với giá ưu đãi.
Theo khảo sát của Dân Việt, thời điểm này, trùng với thời điểm 2 tháng trước Tết nhưng tình hình mua sắm tại các chợ, siêu thị đều không mấy tích cực. Các doanh nghiệp sản xuất cũng nhận định tình hình năm nay có thể sẽ khó khăn.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp cho biết sẽ tung nhiều chiến lược mới, đặc biệt là chiến lược về giá tốt, tăng khuyến mãi cho người tiêu dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.