Nhận được tin tác phẩm của mình là 1 trong 42 tác phẩm đoạt giải tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II năm 2024, nhà báo Trà My, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ rất bất ngờ và vui mừng.
Theo nhóm tác giả, phóng sự truyền hình "Tin mạng - Mất mùa" là tác phẩm có tính thời sự cao, được thực hiện trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xuất hiện tình trạng nhiều diện tích lúa không cho thu hoạch sau khi nông dân mua giống không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội về gieo cấy.
Tiếp cận đề tài này, nhóm tác giả đã trực tiếp ghi lại hình ảnh tại một số địa phương thuộc huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Những cánh đồng lúa mọc xanh tốt, cao quá đầu người là ấn tượng đầu tiên của cả ekip. Nghịch lý ở đây là lúa khoẻ nhưng hạt lép, không cho thu hoạch. Người dân đành ngậm ngùi cắt lúa về cho trâu, bò ăn; tiếc rẻ công sức "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" suốt mấy tháng ròng rã.
"Khi bắt khuôn hình ánh mắt xót xa của người dân ngồi trên nền đất, nhìn trâu ăn lúa mới, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn khó có thể diễn tả bằng lời của những người nông dân chỉ có sức lao động là tài sản lớn nhất", nhà báo Trà My nói.
Ngược lại tìm căn nguyên sự việc, nhà báo Trà My cho biết, trên toàn huyện Tân Sơn có tới 340 hộ dân (trong đó có khoảng 10% là hộ nghèo) đã trồng giống lúa lạ có tên VST-899. Diện tích thống kê toàn huyện có khoảng 22ha trồng giống lúa này không cho thu hoạch.
Trực tiếp phỏng vấn, người dân đều cho hay họ tiếp cận thông tin về giống lúa VST-899 từ các quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Một đồn mười, mười đồn trăm - người dân "rỉ tai" nhau về giống lúa lai mới siêu năng suất cho cơm dẻo, thơm ngon và đặt hàng online qua các trang mạng xã hội để mua về trồng. Nhiều thương lái địa phương nhận thấy nhu cầu cũng đặt hàng về bán. Cho tới khi lúa làm đòng, hạt lép, người dân mới hay rằng mình đã đặt niềm tin nhầm chỗ. Lúc này, bài học đắt giá là thứ duy nhất có thể thu về cho bản thân.
"Tin mạng - Mất mùa" câu chuyện không mới nhưng vẫn nhức nhối. Phản ánh thực trạng này, ekip tác giả muốn làm rõ một số vấn đề nổi cộm cần được nhìn nhận và thắt chặt quản lý. Thứ nhất là việc lúa giống giả, không rõ nguồn gốc, chất lượng được quảng cáo và rao bán đầy rẫy trên các trang mạng xã hội đặt ra câu hỏi chúng ta phải quản lý loại mặt hàng này như thế nào?
Mặt khác, tại sao người dân lại dễ tin để chọn trồng giống lúa không được khuyến khích, không có trong danh mục cơ cấu mùa vụ?. Phải có những biện pháp nào để khiến người dân tin chọn vào danh mục cơ cấu giống được hướng dẫn?.
Cùng với đó, nhìn sâu vào bản chất, cần đặt câu hỏi và trả lời tại sao ở góc độ quản lý, địa phương và ngành nông nghiệp không nắm bắt được diện tích xuống giống ban đầu của người dân để ngăn ngừa. Để tới khi lúa đã vào mùa thu hoạch, người dân đã mất mùa, trâu đã no lúa mới… mới bắt đầu rà soát diện tích trồng lúa giống giả?. Việc sớm thống kê diện tích xuống giống mỗi mùa vụ cần được thực hiện chặt chẽ, rõ ràng để tránh những sự việc tương tự xảy ra.
"Lúa khác với các cây lương thực khác, đây là loại cây trồng đặc biệt quan trọng gắn với an ninh lương thực của quốc gia. Việc nhìn nhận vấn đề giống lúa giả, không rõ nguồn gốc trà trộn qua các phương thức trực truyến cần được cảnh báo; cách thức quản lý của ngành nông nghiệp tại các địa phương cũng cần được siết chặt. Đó là mục đích lớn nhất của ekip khi thực hiện phóng sự truyền hình này", nhà báo Trà My khẳng định.
Chia sẻ về giải báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ hai đạt được (mùa giải đầu tiên nhà báo Trà My tham gia với tư cách phóng viên báo Phú Thọ), nhà báo Trà My bày tỏ: "Được nhận Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II năm 2024 với thể loại mới là phát thanh truyền hình, bản thân tôi cảm thấy vô cùng vinh dự. Việc Giải báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mở rộng loại hình tác phẩm dự thi đã tạo cơ hội cho nhiều tác giả như tôi được thử sức mình. Báo hình, báo phát thanh có những đặc điểm truyền tải hình ảnh, âm thanh thực tế, sống động sẽ mang lại những tác động thông tin hiệu quả với khán giả. Sân chơi ngày một lớn và chuyên nghiệp để người làm báo thoả sức sáng tạo – đó là những gì chúng tôi cảm nhận được ở Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II".