Trọng Quan vốn biết đến là xã thuần nông của huyện Đông Hưng. Nếu như trước đây người nông dân chỉ cấy lúa 2 vụ và trồng cây vụ đông, thì nay trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang nuôi thủy sản, nuôi bò, trồng rau, quả trong nhà lưới... mang lại thu nhập cao.
Ông Trần Văn Thuật, thôn Vinh Hoa (xã Trọng Quan) là một trong những tấm gương điển hình như vậy khi là người đầu tiên đưa cá chạch sụn về nuôi trên địa bàn xã.
Ông cho biết, trên cánh đồng chiêm trũng trước đây, gia đình chỉ cấy lúa nhưng không hiệu quả. Sau khi xã tiến hành dồn điền đổi thửa đã chuyển sang nuôi cá nước ngọt theo phương pháp truyền thống, tuy nhiên, thời gian sinh trưởng lâu, giá cá thương phẩm lên xuống thất thường, thu lãi mỗi năm chỉ vài chục triệu đồng.
Để phát triển kinh tế gia đình, ông Thuật bắt đầu tìm hướng đi mới.
Qua bạn bè giới thiệu và trong một lần xem tivi, ông biết được ở Nam Định đang nuôi rất thành công cá chạch sụn - loài cá dễ nuôi, hiệu quả kinh tế lại cao nên ông đã quyết định đi tham quan, học hỏi về mô hình này.
Sau thời gian tìm hiểu về cách nuôi cá chạch sụn, ông Thuật đã chính thức đưa loài cá này về nuôi ở xã Trọng Quan cuối năm 2022, khi thả nuôi 40 vạn con cá chạch sụn giống trên diện tích 2.000m2.
Ông Trần Văn Thuật, thôn Vinh Hoa là người tiên phong khi đưa cá chạch sụn về nuôi ở xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng (Thái Bình). Ảnh: Bình Minh
"Cá chạch sụn có nhiều ưu điểm khi chu kỳ nuôi ngắn, chỉ khoảng 3-4 tháng/lứa. Đây là loài ít dịch bệnh, thịt thơm ngon, mềm hơn so với chạch ta, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Do cá chạch sụn có hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật nuôi không phức tạp, trong khi đó trên địa bàn tỉnh lại có rất ít mô hình nên tôi đã quyết định đưa vào nuôi thử", ông Thuật nhớ lại.
Ông Thuật cho biết, cá chạch sụn có đặc tính ăn nổi, phàm ăn nên thức ăn cho chạch cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Chỉ cần cho ăn 2 lần/ngày vào thời gian nhất định, đảm bảo chúng ăn hết lượng thức ăn, tránh dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Cá chạch sụn dễ nhiễm nấm và chướng bụng, đầy hơi, vì vậy trong quá trình nuôi cần chú ý nguồn nước trong ao luôn sạch và lượng nước đủ lớn, định kỳ thay nước ao nuôi sẽ đảm bảo chạch sinh trưởng và phát triển tốt.
"Cứ sau mỗi đợt thu hoạch, tôi lại dành ra 10 ngày để cải tạo ao, sau đó mới tiếp tục nuôi lứa khác", ông Thuật chia sẻ.
Với cách nuôi cá cạch sụn bài bản, khoa học, từ đầu năm đến nay, gia đình ông Thuật đã thu hoạch được 2 vụ, trọng lượng đạt 40 - 50 con/kg, tổng sản lượng trên 10 tấn. Với giá bán từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, mang lại cho ông Thuật nguồn thu gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, đạt lợi nhuận gần 500 triệu đồng.
Bỏ nghề xây dựng về quê lập nghiệp với niềm say mê nghề nông, anh Phạm Xuân Khánh, thôn Hưng Quan (xã Trọng Quan) là nông dân tiêu biểu trong tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Anh Khánh cho biết, cuối năm 2016, đã tích tụ 8ha đất của 100 hộ cấy lúa kém hiệu quả và bãi rác của xã đầu tư chuồng trại, trồng cỏ nuôi 30 con trâu, bò. Đến năm 2020, anh bắt đầu chăn bò vỗ béo với số lượng đàn duy trì thường xuyên trên 140 con.
Theo đó, anh Khánh xây dựng thành các khu riêng biệt để dễ dàng quản lý như: khu chuồng trại, khu sản xuất, chế biến thức ăn, bãi trồng cỏ, cây lương thực. Ngoài ra, trang trại còn nuôi thêm gà, vịt...
Một điều thú vị khác ở trang trại của anh Khánh, đó là, không chỉ chăn nuôi bài bản, khoa học, ông chủ 140 con bò này còn cho bò bò nghe nhạc. "Cho bò nghe nhạc sẽ giúp chúng giảm stress, ăn ngon, ngủ ngon, qua đó kích thích sinh trưởng", anh Khánh chia sẻ.
Với mô hình nuôi bò vỗ béo, mỗi năm anh Khánh có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Không dừng lại ở chăn nuôi bò vỗ béo, năm 2023, anh Khánh đã cải tạo 5.000m2 dựng nhà lưới trồng dưa chuột sạch. Ngoài ra anh còn trồng nhiều loại cây khác như: mướp, bí đao, sắn dây...
Để phù hợp với thời tiết, anh Khánh lựa chọn giống dưa chuột lạnh cho vụ đông xuân và giống dưa chuột mát cho vụ hè thu. Chỉ sau 40 ngày gieo trồng đã có thể cho thu hoạch liên tục trong 1 tháng với 3 tạ dưa/ngày. "Mặc dù mới đưa vào gieo trồng nhưng đầu ra ổn định, có hiệu quả nên tôi rất yên tâm sản xuất", anh nói.
Đây là vụ thứ 2 gia đình anh Khánh đưa dưa chuột vào trồng trong nhà màng, sau hơn 1 tháng đưa bầu ra trồng, dưa bắt đầu cho thu hoạch, bình quân 1 ngày gia đình anh thu hoạch 3 tạ dưa chuột, với giá 10.000 đồng/1 kg, thời gian thu hoạch khoảng 1 tháng. Lợi nhuận bình quân đạt 35 - 40 triệu đồng trên 1.000 m2 trồng dưa trong nhà màng.
Hiện nay, ngoài 2.000 m2 dưa chuột trong nhà mạng đang cho thu hoạch, gia đình anh Khánh đang mở rộng diện tích 8.000 m2 để trồng dưa chuột và mướp vụ đông. Mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Khánh không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Với thành công trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông Thuật, anh Khánh là 2 trong số trên 15.000 hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Đông Hưng.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hưng Phạm Đức Tuyến cho biết, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được Hội Nông dân huyện triển khai thực hiện tốt.
Hội tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên tích cực học tập, áp dụng các tiến bộ KHKT, đầu tư tiền vốn phát triển chăn nuôi, chuyển đổi vùng đất kém hiệu quả sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phong trào đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương phát triển kinh tế hộ gia đình.
Điển hình như hộ ông Thuật, anh Khánh ở xã Trọng Quan khi các hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn tích tụ ruộng đất mở rộng trang trại, gia trại nuôi chạch thương phẩm, dựng nhà lưới trồng dưa chuột sạch mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.