Vừa qua, thông tin nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được dư luận quan tâm, ủng hộ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, bộ máy trong hệ thống chính trị của chúng ta còn rất cồng kềnh, nhiều tầng lớp trung gian. Điều này dẫn đến khả năng thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước còn rất chậm và độ trễ lớn. Quá trình thực thi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước có sự chồng chéo, né tránh, nể nang và không dám chịu trách nhiệm giữa các cơ quan.
"Có những việc đáng lý không cần làm và có thể giao cho xã hội hoặc là phân cấp, phân quyền cho địa phương, mà cứ giữ lại, nhưng làm cũng không đến nơi đến chốn, nên gây cản trở rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, cũng ảnh hưởng đến đời sống cũng như tâm tư của nhân dân.
Đây cũng chính là điểm nghẽn dẫn đến năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức đảng bị hạn chế, khó có thể đạt được kết quả mà mục tiêu đến năm 2030 hay năm 2045 mà Đảng đã nêu ra", ông Dĩnh nói.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Đảng ta từ trước tới nay vẫn rất quan tâm việc sắp xếp, đổi mới trong công tác tổ chức bộ máy cũng như công tác cán bộ. Ngay từ Đại hội VI và qua các đại hội tiếp theo đều có các chủ trương, Nghị quyết và Kết luận đề cập với vấn đề này. Tuy nhiên, Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vào năm 2017 là một Nghị quyết đề cập tới việc đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị một cách rất toàn diện, cụ thể và sâu sắc, từ việc đánh giá những kết quả đạt được, đưa ra những tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nghị quyết cũng đưa ra những quan điểm, mục tiêu, từ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ năm 2021 - 2030 và các năm tiếp theo. Trong đó, Nghị quyết đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cho từng tổ chức trong hệ thống chính trị, từ tổ chức đảng cần phải sắp xếp bộ máy ra sao, phải cần đổi mới như thế nào. Rồi hệ thống tổ chức Nhà nước từ Quốc hội cho đến Chính phủ, các tổ chức chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị khác.
"Trong nghị quyết 18 có thể nói là nêu rất cụ thể. Nếu chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết 18, chắc chắn là có sự chuyển biến mạnh", ông Dĩnh nói.
PGS.TS Lê Minh Thông – nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tổ chức hệ thống chính trị vẫn còn khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức thành viên vẫn còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Chi phí tổ chức và hoạt động của bộ máy từ nguồn ngân sách khá lớn, khoảng 70% ngân sách hằng năm.
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động trên nếu chậm được khắc phục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới.
"Vấn đề có tính cấp thiết vẫn là thực hiện một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy để mỗi tổ chức thật sự rõ về chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả", ông Thông nói.
Việc đầu tiên của việc sắp xếp bộ máy, theo PGS.TS Lê Minh Thông đó là phải khắc phục một cách quyết liệt sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần phải đổi mới tư duy, chỉ làm những việc xã hội không làm được, nền kinh tế không làm được, doanh nghiệp không làm được. Còn nếu cứ ôm đồm, nhiều việc sẽ không làm được đến nơi, đến chốn.
Điểm mới nữa trong việc đổi mới bộ máy, theo ông Lê Minh Thông là phải tinh gọn nhân lực. "Cốt lõi của việc tinh gọn bộ máy chính là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Muốn như vậy phải đổi mới công tác cán bộ. Đổi mới công tác cán bộ là chìa khóa vì cán bộ là gốc vấn đề. Làm sao cán bộ được lựa chọn thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc vươn mình của dân tộc", ông Lê Minh Thông chia sẻ.
Để làm được điều đó, theo PGS.TS Lê Minh Thông, đã đến lúc phải công khai công tác cán bộ, dựa vào dân để làm công tác cán bộ. Trao cho cán bộ, đảng viên, nhân dân quyền tham gia vào lựa chọn cán bộ. Như vậy mới khắc phục được tình trạng "đúng quy trình mà không đúng người".
PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, bất kỳ một cuộc cải cách nào đều có những mặt tích cực và hạn chế, rủi ro, điều quan trọng là chúng ta tự tin vượt qua những rủi ro đó. Mỗi người, mỗi tổ chức phải đổi mới tư duy, đặc biệt là những người trong bộ máy quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy, từ tư duy quyền sang tư duy nghĩa vụ và thực sự xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân.
"Chỉ khi nào chúng ta lấy nhân dân là trung tâm, nhân dân là trên hết thì mọi những lợi ích cá nhân, mọi lợi ích cục bộ, kể cả cục bộ ngành, cục bộ địa phương đều có thể vượt qua một cách dễ dàng. Bởi vì mục tiêu của chúng ta không phải lợi ích của tổ chức mình mà là lợi ích của nhân dân", ông Thông nói.
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, mấy nhiệm kỳ qua chúng ta đã tiến hành tổ chức bộ máy nhà nước, bộ máy Chính phủ theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay là thời kỳ tốt, cơ hội tốt để tiếp tục sắp xếp lại bộ máy theo đúng nguyên tắc đó để phát triển hiệu quả. "Đó là một nguyên tắc mà cần thiết phải quán triệt và nhất quán tuân theo" ông Thông nhấn mạnh.
"Chúng ta nói từ rất lâu rồi, trong tất cả các nhiệm kỳ Đại hội, trong các văn kiện đều nói đến vấn đề tinh gọn. Chúng ta đã làm và làm rất tích cực. Tuy nhiên, kết quả đó cho thấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội.
Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn ở một quyết tâm chính trị cao hơn, tạo ra những cách làm mới, những động lực mới để cải cách. Cho nên Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng đây là một cuộc cách mạng đòi hỏi phải hết sức tập trung trí tuệ, nhân lực, tình cảm và ý chí quyết tâm để đạt được mục tiêu đặt ra, tạo ra những điều kiện tốt nhất để chúng ta vươn mình trong kỷ nguyên mới", PGS.TS Lê Minh Thông nói.