Dân Việt

Giải báo chí toàn quốc về tam nông: Khi tiếng nói của người dân ấp đảo Thiềng Liềng, TP.HCM lên sóng phát thanh VOH

K.Nguyên 05/12/2024 13:26 GMT+7
Trực tiếp thực hiện tọa đàm: "Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách" giữa ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ, TP.HCM), nhà báo Nguyễn Tiến Hoàng Thanh, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh không nghĩ có ngày tọa đàm trở thành 1 trong 42 tác phẩm xuất sắc nhất của Giải báo chí toàn quốc về tam nông.
Phía sau Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách  - Ảnh 1.

Tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024, tọa đàm: "Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách" của nhà báo Hoàng Thanh, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã trở thành 1 trong 42 tác phẩm xuất sắc nhất.

Đằng sau cuộc tọa đàm với nhiều ý kiến xác đáng của các chuyên gia, nhà quản lý trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái ở TP.Hồ Chí Minh là sự dấn thân vào thực tế các mô hình làm du lịch sinh thái của tác giả, là những mô hình du lịch sinh động đã và đang được nông dân thành phố thực hiện và nhân rộng. 

Tọa đàm: "Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách" của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh bắt đầu bằng lời chào rất thân thương của chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, người dân ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh: "Xin chào, xin chào tất cả các anh chị, bà con ấp Thiềng Liềng, rất vui hôm nay được đón tiếp các anh chị trên ấp đảo Thiềng Liềng xinh đẹp của chúng em. Hiện tại nơi đây có 24 điểm đến. Em xin hướng dẫn bảng sơ đồ tính điểm để cho các anh chị cảm nhận về các dịch vụ mình sắp sửa đến trong ngày hôm nay ạ. Hôm nay các anh chị đến với Thiềng Liềng, thời tiết rất là mát mẻ, nắng thì dịu nhẹ nên xin mời các anh chị theo chân của em đi tham quan dọc quanh ấp đảo Thiềng Liềng xinh đẹp này".

Phía sau Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách  - Ảnh 2.

Các khách mời tham gia tọa đàm: "Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách" của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, một trong 42 tác phẩm xuất sắc nhất của Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024. Ảnh: H.T

Nhà báo Hoàng Thanh cho biết, từ một ấp đảo biệt lập nghèo khó thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, nơi cuộc sống của người dân gắn bó với nghề làm muối và đánh bắt hải sản, nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của các hộ dân ở Thiềng Liềng đã bước sang trang mới.

"Cũng thích nghề bên du lịch, cũng vui và tiếp khách nên mình cũng dạn dĩ ra. Trước đây toàn làm muối không hà, giờ làm du lịch thì mỗi tháng thêm vài trăm có đóng tiền điện tiền nước, tiền này, tiền kia rồi cũng đỡ một chút", cô Sáu Vân, ấp Thiềng Liềng chia sẻ tại tọa đàm.

Giờ đây đến với ấp đảo Thiềng Liềng, du khách sẽ cảm nhận sự gần gũi và thân thương khi nghe những cái tên gắn với sản phẩm du lịch như: sương sâm giải nhiệt Sáu Vân, ngâm chân thư giãn Năm Tuyết, trò chơi dân gian Út Thảo, tài tử đờn sến Tư Huỳnh, cà phê kem dừa nước Tư Tuấn, bánh dân gian Hai Loan, nước mát Mười Giạ, ẩm thực đồng muối Năm Đổi, không gian hội tụ Út Ngọc…

"Sau khi đi Thiềng Liềng, tôi mong muốn được làm một chương trình nêu bật được những đổi thay ở những vùng quê nghèo nhờ phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Khó nhất là phải mời đủ 3 bên: Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân TP.Hồ Chí Minh cùng bàn về nội dung này, để tìm ra giải pháp phát triển mạnh du lịch nông nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh", nhà báo Hoàng Thanh chia sẻ.

Phía sau Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách  - Ảnh 3.

Nhà báo Hoàng Thanh (bên trái) chụp ảnh cùng chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, người dân ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh, người có tiếng nói đầu tiên tại tọa đàm.

Nhà báo Hoàng Thanh thông tin thêm về cơ sở để thực hiện tọa đàm đó là, TPHCM đã ban hành Đề án "Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025" nhằm nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề nông thôn, sản phẩm đặc trưng khu vực, quảng bá sản phẩm OCOP, đa dạng hóa quà lưu niệm, góp phần nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho người dân. 

Theo đó, những hội viên là nông dân trên địa bàn thành phố trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tham gia hoạt động khởi nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ, sản phẩm du lịch; Các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, làng nghề truyền thống, hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác, các khu du lịch, điểm du lịch cộng đồng,... là các đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. 

"Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhận định, khi triển khai vào thực tế, Đề án này sẽ góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên nông dân so với sản xuất nông nghiệp truyền thống trước đây. Từ đó nhằm nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nông dân TP.HCM trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giải quyết việc làm, giải quyết lao động nông nghiệp cho vùng nông thôn, nâng cao trình độ và nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch", nhà báo Hoàng Thanh nói. 

Phía sau Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách  - Ảnh 4.

Nghề làm muối ở ấp đảo Thiềng Liềng đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: Nhà báo Hoàng Thanh cung cấp.

Cũng tại tọa đàm này, ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn thành phố đã có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp hoạt động hiệu quả, như ở Củ Chi, ngoài thế mạnh về du lịch lịch sử còn có các vườn lan, trang trại nông nghiệp xanh. 

Ông Lượng cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần có giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển du lịch sinh thái. Cái gì ngân sách làm chưa hết thì cần xã hội hóa, cần sự đồng hành của doanh nghiệp, hợp tác xã.

"Đối với công tác Hội thì làm sao để cho nông dân giàu về đời sống vật chất, giàu về đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn nếp sống nghĩa tình, bản sắc của người nông dân thành phố là mục tiêu, là mục đích, là mong muốn của chúng tôi", ông Lượng nói trên sóng của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển Tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, sau Thiềng Liềng thì chúng tôi hiện nay đang nghiên cứu, khảo sát tiếp một số cái địa bàn ở các huyện ngoại thành của TPHCM để có thể có những cái mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Còn bà Hoàng Thị Mai, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, cá nhân bà cũng đã ba lần trải nghiệm hoạt động du lịch này rồi nhưng mà lần thứ tư cũng rất muốn quay lại Thiềng Liềng. 

Nhà báo Hoàng Thanh thông tin thêm, tọa đàm sau khi phát sóng đã nhận được phản hồi tích cực từ phía cơ quan chức năng, người dân thành phố. Đây cũng là động lực để mỗi nhà báo tiếp tục tìm tòi những đề tài mới để khai thác, đóng góp cho bức tranh đa màu sắc của tam nông.  

Phía sau Hướng đi nào giúp du lịch nông nghiệp nông thôn TP.HCM giữ chân du khách  - Ảnh 5.