Báo cáo tại kỳ họp, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong năm 2024, mặc dù kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng GRDP ước đạt 8,42 %, chưa đạt mục tiêu "hai con số" đã đề ra. Quy mô nền kinh tế của Quảng Ninh ước đạt hơn 347.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 7 trong cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện cả năm đạt 55.600 tỷ đồng, bằng 104% dự toán Trung ương giao.
Năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn, phát sinh một số vấn đề vượt ngoài dự báo. Trong đó, cơn bão Yagi - cơn bão số 3 lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề cho Quảng Ninh. Ước tính tổng thiệt hại mà cơn bão gây ra là hơn 28.000 tỷ đồng, tương đương giảm 0,65% tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả tăng trưởng kinh tế chung của cả năm 2024.
Nhìn ở góc độ tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy có sụt giảm so với cùng kỳ, song vẫn cao hơn bình quân chung cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,3 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm % cùng kỳ. Tổng khách du lịch đạt 19 triệu lượt, tăng 20% cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Phát triển văn hóa, xã hội và con người có nhiều mặt tiến bộ; an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm; nhanh chóng khắc phục thiệt hại, đưa các hoạt động trở lại bình thường, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau cơn bão số 3; công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt kết quả rõ nét.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 của Quảng Ninh ước đạt khoảng 10.000 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020; tạo ra 30.000 việc làm tăng thêm.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3. Tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 1.180 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của bão. Đến nay đã chi được 218 tỷ đồng và đang tiếp tục xem xét theo các nhu cầu đề xuất của các địa phương.
Tuy nhiên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Quảng Ninh vẫn còn có một số hạn chế. Trong điều hành thu ngân sách, Quảng Ninh có 4/16 khoản thu ngân sách nội địa dự kiến không đạt tốc độ bình quân. Trong đó, thu tiền sử dụng đất đến nay chỉ đạt 29% kế hoạch năm, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực bố trí cho các dự án đầu tư công; thu từ doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý cũng không đạt. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, chỉ đạt 48% kế hoạch vốn, giải ngân vốn kéo dài chỉ đạt 33,4%; công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: "Ngày 2/12/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, với chủ đề công tác năm là "Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới.
Đồng thời, tỉnh cũng đã xác định 19 chỉ tiêu chủ yếu về xây dựng đảng, kinh tế, xã hội và môi trường cho năm 2025. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 12%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt chỉ tiêu Trung ương giao; toàn tỉnh không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; có 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phục hồi tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%...".
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, Kỳ họp thứ 23 - Kỳ họp thường lệ cuối năm với rất nhiều nội dung quan trọng là bước cụ thể hóa rất kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và khát vọng phát triển của địa phương.
"Tôi đề nghị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận thẳng thắn, tích cực, thiết thực đối với các nội dung trình Kỳ họp để thống nhất quyết nghị thông qua; trên cơ sở đó, ngay sau kỳ họp này, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải khẩn trương cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống, phát huy hiệu quả", ông Thắng nói.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Năm 2025 đã được Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; là năm cuối cùng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích đề nghị đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh, tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm tình hình của năm 2024. Qua đó, nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để xem xét, quyết định các mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cơ bản và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2025.
Bên cạnh xem xét những nội dung quan trọng về kế hoạch điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách và đầu tư công, kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh cuối năm sẽ thông qua 21 nghị quyết về quy chế quản lý kiến trúc đô thị; giao biên chế công chức; thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh… Kỳ họp kéo dài đến hết ngày 6/12.