Di tích lịch sử Ngườm Bốc-nơi cư trú của người nguyên thủy có niên đại khoảng 10.000 năm ở xã Việt Hồng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Lũng Ỏ nằm trên sườn núi đá vôi, trước cửa hang là thung lũng rộng lớn, xa xa về phía đông là con suối nhỏ. Sau khi thám sát đoàn khảo cổ đã thu thập được một số hiện vật đá như: Công cụ chặt đập, công cụ nạo, chày nghiền, mảnh tước, tất cả đều được làm từ đá cuội.
Kỹ thuật ghè đẽo công cụ đá ở Lũng Ỏ rất đơn giản, thô sơ ghè đẽo trực tiếp (lấy đá đẽo đá). Sự xuất hiện của những mảnh tước ở đây đã cho thấy việc chế tác công cụ được tiến hành ngay tại chỗ. Căn cứ vào đặc điểm loại hình, kỹ thuật chế tác, các nhà khảo cổ cho rằng Lũng Ỏ là một di chỉ thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ (nằm trong khoảng thời gian từ 30.000 - 11.000 năm cách ngày nay), tương đương với nền văn hóa Sơn Vi, Phú Thọ.
Địa điểm Thượng Hà được khảo sát hai lần, lần 1 vào năm 2002 phát hiện được 45 di vật, lần 2 vào năm 2008 được 17 hiện vật. Những hiện vật này chủ yếu là công cụ đá ghè đẽo.
Bộ sưu tập bao gồm: Công cụ mũi nhọn, công cụ rìa lưỡi ngang, công cụ rìa dọc, mảnh tước. Những công cụ này người tiền sử sử dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Theo các nhà khảo cổ, kỹ thuật chế tác Lũng Ỏ (Quảng Uyên) giống kỹ thuật chế tác công cụ ở địa điểm Thượng Hà, chủ yếu sử dụng kỹ thuật ghè đẽo.
Điểm đặc biệt trong bộ sưu tập Thượng Hà có loại hình rìa dọc, loại hình này tiêu biểu của nền văn hóa Sơn Vi. Nguyên liệu để chế tác các loại công cụ này người tiền sử lấy từ nguồn đá sông suối. Về niên đại của di chỉ Thượng Hà, các nhà khảo cổ cho rằng, có thể thuộc giai đoạn sớm của hậu kỳ đá cũ, sớm hơn hoặc tương đương các di chỉ Sơn Vi, cách ngày nay trên 30.000 năm.
Đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm thấy di cốt người nguyên thủy trên đất Cao Bằng. Nhưng những công cụ tìm thấy ở di chỉ Lũng Ỏ, Thượng Hà đã minh chứng về sự cư trú và lao động của người nguyên thủy trên đất Cao Bằng.
Chính những con người đó trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại, đã sáng tạo nền văn hóa đá cũ trên mảnh đất Cao Bằng, góp phần làm phong phú thêm nhận thức về thời đại đá cũ ở khu vực vùng núi phía bắc nước ta.
Chuyển sang giai đoạn đá mới là giai đoạn phát triển cao hơn của loài người. Con người không những hoàn thiện về mặt sinh học mà nền kinh tế đã chuyển từ khai thác những sản phẩm có sẵn trong thiên nhiên sang nền kinh tế sản xuất.
Năm 1985, di chỉ Ngườm Càng (Thông Nông) được phát hiện, đến năm 2000 địa điểm này được đào khảo sát. Kết quả thu được, gồm: công cụ bầu dục, công cụ mũi nhọn, công cụ chặt rìa lưỡi ngang, công cụ nạo, chặt, mảnh tước, bàn mài lõm, chày nghiền, bàn nghiền.
Theo các nhà khảo cổ học, bàn mài Ngườm Càng giống bàn mài của văn hóa Bắc Sơn. Như vậy Ngườm Càng là địa điểm cư trú của người tiền sử thuộc hệ thống văn hóa Bắc Sơn.
Năm 2008, di chỉ Ngườm Vài, Cần Yên (huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng) được đào thám sát. Ngườm Vài là một hang lớn nằm trên núi Pò Cà, thuộc Bản Gải, trước cửa hang có dòng suối chảy qua. Nền hang tương đối bằng phẳng, khô ráo, thuận tiện cho đời sống sinh hoạt của người nguyên thủy.
Tại Ngườm Vài, đã tìm thấy dấu tích bếp lửa, xương, răng động vật cùng các công cụ đá: Công cụ mũi nhọn, rìa lưỡi ngang, rìa lưỡi dọc, rìu mài, mảnh tước, chày nghiền.
Kỹ thuật chế tác công cụ Ngườm Vài chủ yếu là ghè đẽo trực tiếp. Kỹ thuật mài Ngườm Vài đã phát triển. Sự xuất hiện của bàn nghiền, chày nghiền là bằng chứng về việc gia công, chế biến thức ăn từ hoa quả, củ, cây...
Trong quá trình đào thám sát hang Ngườm Vài, phát hiện một loại khoáng chất là thổ hoàng. Theo nghiên cứu, người nguyên thủy quan niệm màu đỏ biểu hiện cho sự sống vĩnh hằng và may mắn. Họ dùng thổ hoàng nghiền nhỏ, hòa với nước bôi vẽ lên cơ thể để làm đẹp.
Thậm chí họ còn bôi lên cơ thể cho người chết để linh hồn người chết được vĩnh hằng. Dựa vào nghiên cứu tổng thể các hiện vật, bước đầu cho thấy Ngườm Vài là một di tích cư trú của người nguyên thủy thuộc giai đoạn đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 năm.
Di chỉ Ngườm Bốc, xã Hồng Việt (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) được phát hiện vào năm 2003. Đến năm 2008 địa điểm này được Bảo tàng tỉnh Cao Bằng phối hợp với Viện Khảo cổ đào thám sát.
Hiện vật thu được gồm: Công cụ chặt thô, công cụ bầu dục, công cụ nạo, cắt, chày nghiền, cuội nguyên liệu. Tất cả đều được chế tác từ đá cuội sông suối bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ.
Ngoài công cụ đá, còn phát hiện một số lượng lớn các loại nhuyễn thể (ốc suối). Điều này chứng tỏ ốc suối là loại thức ăn chiếm ưu thế và là một trong những hoạt động kinh tế chủ đạo trong đời sống cư dân cổ Cao Bằng.
Sau khi nghiên cứu tổng thể các hiện vật khảo cổ, hóa thạch, các nhà khảo cổ cho rằng, Ngườm Bốc là di tích cư trú của người nguyên thủy, cách ngày nay khoảng 10.000 năm (tương đương với giai đoạn văn hóa Hòa Bình sớm).
Di chỉ Ngườm Càng, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), phát hiện năm 2001, đến năm 2008 địa điểm này được đào thám sát. Kết quả thu được khá nhiều hiện vật đá, như: Công cụ chặt thô, hòn ghè, công cụ rìa lưỡi ngang, mảnh tước, cuội có vết ghè.
Các hiện vật đều chế tác từ đá cuội sông suối. Căn cứ vào kỹ thuật chế tác và loại hình công cụ, bước đầu các nhà khảo cổ cho rằng Ngườm Càng là nơi cư trú của người nguyên thủy thuộc giai đoạn đá mới sớm.
Sang giai đoạn hậu kỳ đá mới, người nguyên thủy Cao Bằng đã có sự thay đổi bước ngoặt. Đó là sự xuất hiện của công cụ mài toàn thân và đồ gốm. Năm 2009, một số di chỉ thuộc giai đoạn đá mới được phát hiện, như: Ngườm Sa Boỏng, Ngườm Chiêu, xã Quốc Phong (Quảng Uyên); Ngườm Cóc Sầy (Hạ Lang). Mặc dù chưa đào thám sát nhưng các nhà khảo cổ nhận định đây là những di chỉ cư trú của người nguyên thủy thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới.
Trong giai đoạn hậu kỳ đá mới, một số người nguyên thủy đã di chuyển nơi cư trú ra ngoài trời. Minh chứng cho điều này là địa điểm Sộc Áng, xã An Lạc (Hạ Lang), địa điểm Bó Cáy, Nặm Loát, xã Nguyễn Huệ (Hòa An).
Tại Sộc Áng, trong quá trình canh tác, nông dân đã phát hiện một số hiện vật đá thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới, gồm: rìu mài vai xuôi, vai vuông, vai nhọn, bôn tứ giác, rìu tứ giác, công cụ chặt thô. Qua nghiên cứu, các công cụ tìm thấy ở Sộc Áng đều được chế tác từ đá cứng với kết cấu hạt mịn, trình độ kỹ thuật chế tác cao. Tại địa điểm này còn phát hiện chì lưới bằng đất nung. Điều này chứng tỏ người nguyên thủy đã biết đánh cá bằng lưới trên sông.
Chuyển sang giai đoạn kim khí, người nguyên thủy đã biết chế tạo công cụ lao động từ đồng thau. Đến thời điểm hiện nay, trên đất Cao Bằng vẫn chưa tìm thấy dấu tích của di chỉ cư trú thời đại kim khí. Những di vật thuộc thời đại này cũng phát hiện được rất ít. Nhưng thông qua các di vật được phát hiện cho thấy dấu ấn văn hóa Đông Sơn trên đất Cao Bằng là không thể phủ nhận.
Căn cứ vào những tài liệu khảo cổ đã phát hiện trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, ở Cao Bằng có ba nhóm di tích, di vật mang văn hóa Đông Sơn, đó là: Trống đồng, di tích cự thạch và một số hiện vật đồ đồng, đồ gốm khác.
Trong số 16 chiếc trống được phát hiện, có 7 chiếc trống được xếp vào lại trống Hêgơ I hoặc trống Đông Sơn, có 4 chiếc được xếp vào loại trống Hêgơ I - IV, có 3 chiếc được xếp vào loại trống Hêgơ IV, có 2 chiếc xếp vào loại Hêgơ II. Với những phát hiện trống loại Đông Sơn muộn (Hêgơ I) cho thấy Cao Bằng là tỉnh phân bố rộng rãi những chiếc trống mang truyền thống văn hóa Đông Sơn.
Ngoài trống đồng, hiện vật khảo cổ thời kim khí ở Cao Bằng còn có một số rìu đồng được phát hiện tại Hòa An.
Tất cả những hiện vật khảo cổ nói trên đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Đây là bộ sưu tập vô cùng quý giá, đóng góp vào quá trình nghiên cứu khảo cổ học Cao Bằng nói riêng và khảo cổ học các vùng lân cận cũng như của Việt Nam nói chung.
Những di chỉ và di vật khảo cổ nói trên đã chứng minh Cao Bằng là một trong những nơi cư trú của người tiền sử.