Với thành công khá rực rỡ của lần đầu tiên tổ chức năm 2023, năm nay, Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II năm 2024 đã thực sự thu hút sự quan tâm sâu sắc và nhiệt huyết của những cây viết chuyên và không chuyên trong lĩnh vực tam nông. Ngay từ những ngày đầu phát động vào tháng 12/2023, đã có nhiều tác giả, tác phẩm liên hệ, tìm hiểu và gửi bài về dự thi, đặc biệt là hạng mục báo in – báo điện tử.
Là "em út" – lần đầu tiên được đưa vào giải năm 2024, phát thanh – podcast nói riêng và hạng mục phát thanh – truyền hình nói chung thực sự là "mối lo lắng" của Ban Tổ chức cũng như các Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo về số lượng cũng như chất lượng của tác phẩm tham dự.
Vào giai đoạn cao điểm tiếp nhận bài dự thi gửi về giải, khi các hạng mục khác số lượng bài dự thi gửi về tăng lên từng ngày, phát thanh – podcast vẫn khá lặng tiếng. Thời điểm đó, song song với việc nỗ lực truyền thông và kết nối, nhiều người trong Tổ Thư ký giúp việc cho Hội đồng Chung khảo thực sự sốt ruột với suy nghĩ hay giải báo chí này "kém hấp dẫn" đối với phát thanh. Nhưng Ban Tổ chức vẫn kiên định với niềm tin về mảng tác phẩm này bởi rõ ràng, trong nhiều loại hình tác phẩm, phát thanh có sự gắn kết lâu đời, bền vững với người nông dân nhất và thực tế số lượng các tác phẩm phát thanh khai thác về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn không hề nhỏ.
Kết quả, vượt qua mọi sự mong đợi. Chỉ trong vòng 5 ngày trước khi kết thúc nhận tác phẩm (15/11), hàng chục tác phẩm phát thanh dự thi được ồ ạt gửi về, nâng tổng số tác phẩm dự thi ở phát thanh – podcast lên gần 250 tác phẩm đến từ các kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và hầu hết các đài phát thanh – truyền hình trên cả nước.
Đề tài đa dạng, nội dung hay, cách thể hiện phong phú, sáng tạo, đặc trưng vùng miền rõ nét… đã khiến tác phẩm của phát thanh – podcast như 1 vườn hoa đua sắc rực rỡ trong Giải năm nay.
Đánh giá về chất lượng của tác phẩm hạng mục phát thanh – podcast nói riêng và khối phát thanh – truyền hình nói chung, Giám khảo Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Thư ký Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định các tác phẩm truyền hình và phát thanh là một điểm sáng mới của Giải năm nay.
"Trong các tác phẩm, chúng ta thấy được sự đầu tư kỹ lưỡng trong từng thước phim, từng đoạn ghi âm, phản ánh chân thực đời sống nông thôn. Từ những vấn đề rất nhỏ đó là đời sống của người nông dân hiện nay cho đến những vấn đề rất lớn như vấn đề về nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, bền vững. Nhiều tác phẩm có tính điều tra, đưa ra những giải pháp tích cực để làm sao chúng ta phát triển một nền nông nghiệp vững mạnh, để cho nông thôn bền vững và người nông dân thì luôn được giàu sang và phát triển".
Số lượng tác phẩm gửi về dồn dập vào giai đoạn nước rút nên công tác chấm Sơ khảo và Chung khảo đối với khối phát thanh – podcast vô cùng vất vả. Khi nghe Ban Tổ chức liên hệ công bố giải, 1 tác giả tại Cần Thơ đã thốt lên rằng: "Thực sự ấn tượng vì tốc độ chấm giải của Hội đồng". Bởi khác với báo in – điện tử, quy trình chấm của các tác phẩm phát thanh - podcast nhiều bước và phức tạp hơn khi người chấm phải lắng nghe thật kỹ từng giây của tác phẩm để không bỏ qua những chi tiết âm thanh, âm nhạc, tiếng động… đắt giá.
Tất cả các tác phẩm đều được gửi song song bản PDF kịch bản, file âm thanh cho từng thành viên Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo để có thời gian nghe kỹ và đánh giá cụ thể từng tác phẩm, trước khi chấm tập trung. Đồng thời, ngay từ quá trình chấm sơ khảo, việc chấm chéo giữa các hạng mục đã được thực hiện với mục tiêu cao nhất là không bỏ sót tác phẩm hay.
Áp lực về mặt thời gian đối với Hội đồng chấm rất lớn nhưng tất cả các giám khảo và Tổ Thư ký giúp việc đều rất hào hứng và xúc động khi được nghe và cảm nhận các tác phẩm thực sự "chạm" vào cuộc sống.
Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo đều chung một nhận xét về chất lượng, độ đồng đều và đặc biệt là có nhiều tác phẩm mang tính phản biện, nêu được các vấn đề mới của cuộc sống đối với các tác phẩm Phát thanh và Truyền hình tham dự giải năm nay.
Tham gia chấm từ vòng sơ khảo, nhà văn Văn Chinh rất tâm đắc với tác phẩm "Sản phẩm OCOP- Xếp hạng xong xếp xó" của nhóm tác giả Thanh Huyền, Thuý Vinh, Thanh Nhàn, Trần Lịch, Thanh Nga, Bình Sơn (Đài PT-TH Nghệ An) – phản ánh thực trạng nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng xong không phát huy được hiệu quả. "Tác phẩm báo chí đó đi vào cuộc sống thì nó phát huy được hiệu quả, can dự trực tiếp vào đời sống và góp phần tháo gỡ những nút thắt, nút nghẽn của đời sống", nhà văn Văn Chinh nhấn mạnh.
Trong quá trình nghe và chấm các tác phẩm, nhiều thành viên Tổ Thư ký giúp việc và Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo thực sự xúc động. Đã có những khoảng lặng cảm xúc, thậm chí là những giọt nước mắt rơi, bởi thực sự, rất nhiều tác phẩm với những câu chuyện, những tình tiết, những thanh âm chạm được vào cảm xúc của người nghe.
"Trong số các tác phẩm phát thanh – podcast lọt vào Chung khảo và đạt giải năm nay, có nhiều tác phẩm sử dụng rất tốt hiệu ứng âm thanh, phát huy được hết thế mạnh của loại hình báo nói, thậm chí để cho câu chuyện tự thân nói lên chứ không cần đến lời bình hay phóng viên dẫn dắt, thực sự chạm được vào cảm xúc của người nghe. Điều đó càng khẳng định thế mạnh của phát thanh trong mảng đề tài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".
(Nhà báo Phan Huy Hà – Chủ tịch Hội đồng Chung khảo)
Đó là sự xúc động khi nghe phần kết 1 của tác phẩm "Di cư tự phát - Nỗi lo sau mỗi mùa hạn mặn" của nhóm tác giả Mạc Kỉnh Hào, Đỗ Hoàng Ngọc Diễm, Đặng Minh Trí, Lê Trọng Nhường (Đài PT-TH Cần Thơ) với tiếng khóc mếu máo của 1 bé gái bố mẹ gửi lại cho ông bà nuôi để lên thành phố làm ăn: "Con nhớ cha mẹ, con muốn có cha có mẹ. Con sợ má bỏ con…" hay giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rắn rỏi của cụ bà gần 80 tuổi trước vườn đào Nhật Tân chỉ còn bùn đất và cây chết sau bão Yagi trong tác phẩm "Vững vàng trước thiên tai" của nhóm tác giả Hương Giang, Tuấn Nam, Hữu Hưng (Đài Tiếng nói Việt Nam): "Người mà hại người thì phải khóc nhưng đây ông trời là thiên tai… Trên kia người ta còn mất người, mất của nhưng đây mình mất của thì người còn làm ra của thì mình cứ theo nghề thôi; cả tiếng hát ru mộc mạc của nhân vật Đỗ Thị Hảo một người phụ nữ chân chất ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong tác phẩm "Vị thế biển đảo Việt Nam – Vị thế ngư dân Việt" của tác giả Nguyễn Thị Thu Thảo (Đài PT-TH Quảng Ngãi):
"Ơ… Việt Nam quyết chí không sờn
Sử còn ghi chép rõ ràng mười mươi,
Mặc dù nói ngược nói xuôi
Hoàng – Trường Sa vẫn của người Việt Nam"…
Trong số gần 250 tác phẩm phát thanh - podcast gửi về, ngoài tác phẩm đạt giải, nhiều tác phẩm như: "Lão Hiền Khùng" (Đài Tiếng nói Việt Nam); "Làm lại từ biển" (TTTT Quảng Ninh); Ý đảng lòng dân – đi qua vùng tối (Đài PT-TH Đồng Nai); Sản xuất nông nghiệp thuận thiên chậm mà chắc (Đài PT-TH Cà Mau); "Thông đường" cho nông sản xứ Mường xuất ngoại (Đài PT-TH Hòa Bình); Du học làm nông dân (Đài PT-TH Phú Thọ)… được các vị giám khảo đánh giá cao, Hội đồng thực sự gặp khó khăn trong quá trình lựa chọn.
"Tôi đánh giá rất cao chất lượng tác phẩm phát thanh tham dự giải năm nay. Có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn rất sâu sắc nhưng bởi vì cơ cấu giải phát thanh và truyền hình nhập vào làm một cho nên khi chấm, Ban Giám khảo cũng cảm thấy rất băn khoăn khi mà điểm chênh nhau giữa các tác phẩm không nhiều. Thật là tiếc khi những tác phẩm này không được giải cao. Hy vọng sang năm, phát thanh sẽ có riêng giải", Giám khảo Hoàng Trọng Thủy chia sẻ.