Dân Việt

Dư quỹ đất giáo dục nhưng gặp khó khăn khi kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án tại TP.HCM

Nguyệt Minh 06/12/2024 13:24 GMT+7
Theo số liệu từ Sở GDĐT TP.HCM, hiện nay, TP có 23 dự án GDĐT và 69 quỹ đất giáo dục. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025 cho các dự án này vẫn còn gặp khó khăn.

Sáng 6/12, "Hội nghị triển khai công tác thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực GDĐT trên địa bàn TP.HCM" được tổ chức với mục đích kêu gọi đầu tư cho các dự án giáo dục tại địa bàn. 

Dư quỹ đất giáo dục nhưng gặp khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án GDĐT tại TP.HCM - Ảnh 1.

Toàn cảnh "Hội nghị triển khai công tác thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực GDĐT trên địa bàn TP.HCM". Ảnh: Nguyệt Minh

Khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư cho các dự án GDĐT tại TP.HCM

Nói về tình hình cơ sở vật chất giáo dục trên địa bàn TP, ông Dương Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, hiện tại, mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học trên địa bàn TP.HCM đã được phủ khắp các phường xã, 21 quận huyện và TP.Thủ Đức. Quy mô phát triển mạng lưới ngày một tăng, đáp ứng cơ bản điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập và việc tổ chức hoạt động dạy học hai buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên ngày càng phát triển và số học sinh cũng tăng đều qua các năm.

Dư quỹ đất giáo dục nhưng gặp khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án GDĐT tại TP.HCM - Ảnh 2.

Ông Dương Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM chia sẻ về tình trạng thực tế trong việc kêu gọi đầu tư cho các dự án GDĐT tại TP.HCM. Ảnh: Nguyệt Minh

Tuy nhiên, trên địa bàn TP vẫn còn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở có sĩ số cao hơn qui định của Điều lệ trường. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo theo chuẩn quy định. Những điều này đã ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, học tập. 

Cùng với đó, ông Dũng thông tin, việc gia tăng số học sinh hàng năm dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách TP. 

Ông Dũng nhận định: "Kết quả thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/1 vạn dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI không đồng đều giữa các cấp học. Tỷ lệ thực hiện ở cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt thấp, tập trung tại Thành phố Thủ Đức (khu vực quận Thủ Đức cũ) và một số quận, huyện như quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, hyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn". 

Theo ông Dũng, mặc dù các chính sách đã được xây dựng để tạo ra nhiều hình thức đầu tư như: Đầu tư công, đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư theo hình thức Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); liên danh liên kết; vay kích cầu trước đây, vay hỗ trợ lãi suất hiện nay; vay tín dụng - thương mại… nhưng tình trạng kham hiếm vốn, gọi vốn thành công vẫn còn nhiều thử thách.

"Riêng đối với vốn đầ tư công, mặc dù luôn được ưu tiên dành cho đầu tư lĩnh vực giáo dục – đào tạo nhưng vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như đáp ứng nhu cầu chỗ học và mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục của người dân trong giai đoạn hiện nay và thời gian dài sắp tới. Dẫn đến nhu cầu vốn dành cho phát triển giáo dục – đào tạo trên địa bàn TP là rất lớn" - ông Dũng nhấn mạnh.

Dư quỹ đất giáo dục nhưng gặp khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án GDĐT tại TP.HCM - Ảnh 3.

Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM đề cập đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở này được tiếp cận các chính sách một cách hiệu quả. Ảnh: Nguyệt Minh

Cùng vấn đề, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM đề cập đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở này được tiếp cận các chính sách một cách hiệu quả. 

Bà cho rằng: "Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ làm tiền đề, cơ sở để công tác giáo dục nghề nghiệp của TP.HCM được tiếp tục cải tiến, dần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng tốt các nhu cầu tuyển dụng, góp phần tăng năng suất lao động cho TP".

23 dự án GDĐT tại TP.HCM được kêu gọi đầu tư

Dư quỹ đất giáo dục nhưng gặp khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án GDĐT tại TP.HCM - Ảnh 4.

Cô trò Trường TH Trần Quốc Toản (quận 12) hạnh phúc khi được học trong lớp học mới. Ảnh: Nguyệt Minh

Phó Giám đốc Sở GDĐT thông tin, việc huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển cho Thành phố là đảm bảo theo đúng các chủ trương, đường lối, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành ủy. 

Đảm bảo theo các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về xây dựng, phát triển Thành phố, đặc biệt là Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Ông Dũng chia sẻ, để góp phần đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong việc tìm hiểu thông tin về các dự án, các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố, qua đó thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư nhằm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Thành phố, ngày 8/10, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 4448/QĐ-UBND về danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025, trong đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 23 dự án. 

Cụ thể, TP.Thủ Đức có 3 dự án; quận 7có 1 dự án; quận 8 có 10 dự án; quận 12 có 8 dự án; quận Gò Vấp có 1 dự án. 

Ngoài ra, theo kết quả phối hợp rà soát của Sở Giáo dục và Đào tạo với thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiện nay, trên toàn địa bàn TP.HCM có 69 quỹ đất giáo dục trong các khu dự án phát triển dân cư đã được Thành phố chấp thuận giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư. 

Tuy nhiên, chưa triển khai xây dựng trường học theo tiến độ được duyệt, làm ảnh hưởng đến việc phát triển, hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp và áp lực không nhỏ đến khả năng đáp ứng chỗ học cho con em trên địa bàn TP. 

Dư quỹ đất giáo dục nhưng gặp khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án GDĐT tại TP.HCM - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) thông tin về chính sách hỗ trợ vay vốn cho các dự án GDĐT tại TP.HCM. Ảnh: Nguyệt Minh

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết: "HFIC là đơn vị đã tham gia tích cực vào Chương trình Kích cầu của Thành phố trong những năm qua và hiện tại là đơn vị chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất. Chính sách này được triển khai theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP.HCM, và có những điểm mới quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án giáo dục. 

Các điểm mới bao gồm mức vay tối đa lên đến 200 tỷ đồng mỗi dự án, không yêu cầu vốn đối ứng, thời gian vay linh hoạt và có thể vay cho nhiều dự án cùng một lúc. Chúng tôi hy vọng rằng chính sách này sẽ giúp các đơn vị giáo dục dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học tại TP.HCM".

Về chương trình vay kích cầu theo Nghị quyết 54 trước đây và vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 98 hiện nay

Từ năm 2018 đến năm 2023, TP thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Trong đó có chính sách "Chương trình cho vay kích cầu đầu tư" do HFIC tổ chức đầu mối thực hiện.

Nhờ chính sách này, ngành giáo dục đã có nhiều dự án trong và ngoài công lập tham gia chương trình, chính sách này đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển chất lượng giáo dục tại TP, mang lại nhiều giá trị nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Từ ngày 24/6/2024, TP được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Và từ đây, chính sách vay hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM đã được ban hành thông qua Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố và Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND ngày 19/7/2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư với rất nhiều điểm mới, thuận tiện và ưu việt hơn so với chương trình "vay kích cầu" trước đây.

Một số điểm mới là quy trình, biểu mẫu rõ ràng, chi tiết và rất cụ thể; tổng mức tối đa có thể vay lên đến 200 tỷ đồng/dự án; cho vay cả xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị; không cần phải có vốn đối ứng; có thể vay cùng lúc nhiều dự án khác nhau; có thể kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án; sử dụng tài sản hình thành sau vay để làm tài sản thế chấp tín dụng; thời gian vay linh hoạt… Các nội dung chi tiết sẽ được HFIC trình bày chia sẻ trong phần tiếp theo tại hội nghị.