"Với mục tiêu quy hoạch mạng lưới các trường đại học của Việt Nam đến năm 2020, chúng ta kỳ vọng đạt 3% tương đương 66.000 sinh viên nước ngoài đến học tập, trong khi con số thực tế là 22.000, mới chỉ đạt khoảng 30%", PGS.TS Lại Quốc Đạt chia sẻ.
Riêng tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS.TS Lại Quốc Đạt cho biết, đến năm 2023, trường đã thu hút được 160 sinh viên quốc tế theo học, chiếm chưa được 1% trên tổng số sinh viên của toàn trường.
Theo ông Đạt, nếu so với con số trung bình của các trường đại học cả nước thì số sinh viên quốc tế của Trường Đại học Bách khoa cao hơn rất nhiều.
Để thu hút sinh viên quốc tế đến TP.HCM học tập, ông Đạt cho rằng, TP.HCM phải trở thành đầu mối điều phối hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, như tạo điều kiện thực tập, việc làm cho sinh viên quốc tế hoặc hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất trường đại học...
Ông Đạt gợi ý TP.HCM có thể hình thành một trung tâm sinh viên quốc tế, trong đó, trung tâm này đóng vai trò vừa là đơn vị quảng bá TP.HCM, vừa quảng bá các trường đại học TP.HCM và hỗ trợ sinh viên viên quốc tế kể cả về việc làm.
Cùng vấn đề, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc chương trình giáo dục Hội đồng Anh cho rằng cần phải phát triển trung tâm giáo dục quốc tế ngay tại Việt Nam, để không chỉ giữ được sinh viên học tập trong nước mà còn thu hút sinh viên quốc tế đến học tập.
Về mặt vĩ mô, bà Hoành Vân Anh gợi ý cần có các chính sách để Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục quốc tế. Cụ thể là tạo môi trường thúc đẩy giao lưu sinh viên quốc tế, trong đó có chính sách thu hút sinh viên nước ngoài, cấp học bổng, nâng cao chất lượng giảng viên và chương trình đào tạo, công nhận bằng cấp… Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút sự đầu tư về giáo dục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.