Để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thanh Tịnh, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên.
Sau khi được UBND tỉnh giao chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện 03 Chương trình MTQG, UBND huyện Vị Xuyên đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai thực hiện từng Chương trình trong giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, UBND huyện cụ thể hoá bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để triển khai thực hiện. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ theo lộ trình đã đề ra. Cụ thể:
Về tổ chức bộ máy: Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện; thành lập các Tổ thẩm định, Bộ phận giúp việc Tổ thẩm định các dự án, phương án thuộc các dự án, tiểu dự án 03 Chương trình MTQG. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG, Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển thôn theo quy định.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia tích cực của người dân trong thực hiện chương trình nông thôn mới, các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, giảm nghèo bền vững…
Công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện: UBND tham mưu cho HĐND huyện ban hành 38 Nghị quyết triển khai thực hiện; ban hành 138 văn bản để điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ; 45 quyết định phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn 03 Chương trình MTQG; tổ chức 21 cuộc họp giao ban hằng tháng, 42 cuộc họp chuyên đề giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân các nguồn vốn trên địa bàn 24 xã, thị trấn,…
Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của HĐND, Uỷ ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; Ban giám sát đầu tư cộng đồng thôn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn…
Trong quá trình triển khai thực hiện 03 Chương trình MTQG, huyện gặp không ít khó khăn, chịu tác động của tình hình dịch bệnh những năm đầu nhiệm kỳ (dịch bệnh Covid-19; dịch tả lợn Châu Phi), các địa phương thực hiện các chính sách phong tỏa, cách ly cộng đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân trên địa bàn. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, huyện lại chịu nhiều ảnh hưởng của tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường (trên địa bàn huyện xảy ra 90 đợt thiên tai, mưa lớn, lũ quét, ngập úng, hạn hán… gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của nhà nước và nhân dân, với giá trị thiệt hại ước tính trên 229 tỷ đồng).
Cùng với đó, ảnh hưởng của lạm phát kinh tế, giá nguyên vật liệu, hàng hóa tăng cao… đã tác động đến việc triển khai các dự án, tiểu dự án của 03 Chương trình MTQG. Thực hiện 03 Chương trình MTQG còn nhiều vướng mắc đối với hệ thống văn bản triển khai lớn, còn chồng chéo, một số dự án chưa có hướng dẫn cụ thể do đó tiến độ và giải ngân chậm so với kế hoạch; năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ, công chức tham mưu chưa đáp ứng được yêu cầu…
Trước những khó khăn đó, UBND huyện tập trung triển khai các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh trong từng giai đoạn, thích ứng với dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội. Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn.
Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 03 Chương trình MTQG, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, kịp thời đề xuất, báo cáo xin ý kiến đối với những nội dung vướng mắc, vượt thẩm quyền của huyện; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát,…
Thực hiện 03 Chương trình MTQG đã góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Với tổng nguồn lực thực hiện trên 740 tỷ đồng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhuc cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh tại địa phương, bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực, huyện triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng 164 công trình, dự án hạ tầng (giao thông, điện, trường học, thủy lợi, chợ...).
Triển khai 338 dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hoá sinh kế với trên 5.900 hộ tham gia. Các hoạt động giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, văn hoá được triển khai đồng bộ với nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi (tổ chức 60 lớp đào tạo nghề với trên 1.800 học viên tham gia; 10 lớp xoá mù chữ/254 học viên; công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch triển khai tích cực, hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi 06 thôn, hỗ trợ thiết bị văn hoá tại 119 thôn/19 xã; Tổ chức 05 lễ hội, giao lưu, liên hoan các loại hình văn hoá, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức tập huấn, truyền dậy, câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian 5 lớp/250 học viên, luỹ kế 10 lớp/600 học viên...).
Kết quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tăng 5,8% so với năm 2020; giải quyết việc làm gần 19.400 lao động; tỷ lệ trẻ 6-14 tuổi đến trường đạt 99,8%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi chiếm 14,44%. Số hộ nghèo, cận nghèo giảm 4.750 hộ, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm 18,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng, tăng 10,9 triệu đồng, tương ứng tăng 40,2% so với năm 2020.
Xin cảm ơn ông!