Dân Việt

Nhiều chính sách, quy định, việc làm hỗ trợ trẻ em khuyết tật, làm sao đạt hiệu quả cao nhất?

P.V 04/12/2024 02:41 GMT+7
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 2 triệu trẻ em khuyết tật. Nhóm đối tượng này luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách, chương trình và các cam kết quốc tế.

Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật

Tiến sĩ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới tại thời điểm năm 2019, cứ ba người thì có một người gặp phải tình trạng sức khỏe cần phục hồi chức năng. Tỷ lệ hiện mắc các bệnh cần phục hồi chức năng trên thế giới là 31.200/100.000 dân, tương đương 2,4 tỷ người.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, tính đến 31/12/2023, cả nước có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 28,3%, tương đương gần 2 triệu trẻ em khuyết tật.

Thời gian qua, trẻ em nói chung trẻ em khuyết tật Việt Nam nói riêng ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ thông qua các nghị quyết, luật, nghị định, quyết định, qui định, chỉ thị, đề án, chương trình được ban hành, sửa đổi… nhằm xây dựng hành lang pháp lý, làm cơ sở cho việc đảm bảo và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các quyền của trẻ em khuyết tật, được sống, được chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng, được ưu tiên hưởng các chính sách phúc lợi, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm hòa nhập xã hội.

Nhiều chính sách, quy định, việc làm thiết thực hỗ trợ trẻ em khuyết tật, làm sao đạt hiệu quả cao nhất? - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 2 triệu trẻ em khuyết tật. Nhóm đối tượng này luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách, chương trình và các cam kết quốc tế.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), đồng thời là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (năm 2007).

Theo đó, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành hẳn một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật.

Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.

Sự ra đời của Luật Người khuyết tật năm 2010 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị của trẻ em khuyết tật trong xã hội; thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khuyết tật hoà nhập với cộng đồng.

Những cam kết chính trị cùng sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành từ cơ sở tới Trung ương đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.

Nhiều điểm sáng hỗ trợ trẻ khuyết tật

Chiều ngày 3/12/2024, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Bình tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12 và tổng kết công tác Hội năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Những năm qua, cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo, trợ giúp cho hơn 100.000 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh như: dạy nghề, tạo việc làm; xây dựng, sửa chữa nhà ở; trao xe lăn, xe lắc...

Năm 2024, Hội đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ số tiền và hiện vật trị giá hơn 1,9 tỷ đồng để hỗ trợ 3.334 lượt người khuyết tật, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức khám bệnh tổ chức khám bệnh miễn phí cho hơn 100 lượt người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, Hội cũng kịp thời khen thưởng người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu có nhiều đóng góp cho hoạt động nhân đạo, từ thiện ở tỉnh nhà.

Năm 2025, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động nguồn lực xã hội để trợ giúp cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế; xây, sửa nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có người khuyết tật, trẻ mồ côi nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước.

Tiếp tục vận động các nhà hảo tâm đỡ đầu trẻ khuyết tật, mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật; phát động chương trình “Máy tính cho người khuyết tật” để tạo điều kiện giúp người khuyết tật tiếp cận và sử dụng thành thạo máy tính, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức tự bảo vệ cho trẻ em để không bị xâm hại tình dục, bạo lực học đường.

Trước đó, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) cũng tổ chức hàng loạt hoạt động hướng tới trẻ em khuyết tật.

Theo thống kê, toàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 1.273 đối tượng khuyết tật, trong đó có 47 học sinh khuyết nặng được hưởng hỗ trợ hàng tháng.

Bên cạnh đó, huyện đã phát triển được 7 cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội trong cộng đồng dân cư giúp quản lý, theo dõi thông tin, kịp thời hỗ trợ, phổ biến pháp luật và các chính sách trợ giúp trẻ khuyết tật. Đến nay, 100% trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ khuyết tật, UBND huyện Ngọc Hiển đã chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp đồng bộ trong triển khai, thực hiện các chế độ, chi trả trợ cấp cho trẻ khuyết tật; đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng và phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện đến năm 2025, góp phần giúp trẻ khuyết tật có cơ hội tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng.