Thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật ra sao?
Thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật ra sao?
PV
Thứ bảy, ngày 09/11/2024 10:48 AM (GMT+7)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức bàn giao người khuyết tật cho tổ chức, cá nhân hoặc hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng ngay sau khi có quyết định hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bạn đọc Ngọc Thành (Hà Nam) hỏi: Gia đình tôi mong muốn nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Vậy xin hỏi, thủ tục để được chăm sóc người khuyết tật cụ thể ra sao?
Trả lời:
Luật sư Ma Văn Giang - Công ty luật TNHH Niềm tin công lý cho hay, hiện nay, xã hội đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đối với nhóm đối tượng người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật nhằm tạo ra môi trường bình đẳng, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật có một cuộc sống bình thường như mọi người khác.
Điều 21 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ khuyết tật cụ thể như sau: Thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định này.
Cụ thể, trưởng thôn lập danh sách đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và cá nhân hoặc hộ gia đình có đủ điều kiện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thuộc địa bàn thôn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đưa người khuyết tật và bàn giao cho tổ chức, cá nhân hoặc hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng ngay sau khi có quyết định hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thủ tục đối với đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 18 Nghị định thực hiện theo quy định sau đây: Đối tượng hoặc người giám hộ của đối tượng có đơn kèm theo biên bản về vụ việc bạo hành, xâm hại và văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội nơi trẻ em, người lang thang xin ăn không có nơi cư trú ổn định bị bạo hành, xâm hại có trách nhiệm lập hồ sơ; Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra, xác minh và có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đưa người khuyết tật, trẻ khuyết tật bàn giao cho tổ chức, cá nhân hoặc hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng ngay sau khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.