Dân Việt

Vụ mẹ nuôi tạt nước sôi vào cháu bé 12 tuổi, có thể đối diện với hình phạt nào?

T. Nam - K. Trinh 09/12/2024 16:15 GMT+7
Theo luật sư, người có hành vi tạt nước sôi vào cháu bé 12 tuổi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt nghiêm khắc.

Bắt tạm giam mẹ nuôi tạt nước sôi vào bé gái 12 tuổi

Mới đây, Công an TP.Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Phượng (52 tuổi, ngụ TP Phú Quốc, Kiên Giang), để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Theo hồ sơ vụ việc, bé P.D.G.H. (12 tuổi) và bé B. (7 tuổi, em trai H.) là cháu ngoại ông Tuấn (52 tuổi ngụ Phú Quốc). Ông Tuấn có thời gian sống như vợ chồng với Phượng tại Phú Quốc, sau đó cả hai chia tay.

Sau khi chia tay, ông Tuấn giao 2 cháu ngoại cho Phượng chăm sóc, Phượng đưa 2 bé về TP.Hà Tiên nuôi và cho hai bé đi bán vé số dạo. Hai bé thường gọi bà Phượng bằng "mẹ nuôi".

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh bé H. bị Phượng bạo hành, Công an TP.Hà Tiên đã đưa bé H. đi giám định tỷ lệ thương tật.

Mẹ nuôi tạt nước sôi cháu bé 12 tuổi do làm mất vé số, có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Thị Phượng (52 tuổi, ngụ TP Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: Báo Tiền Phong.

Tại cơ quan công an, Phượng khai, do bé H. thường xuyên làm mất vé số khi đi bán nên hay đánh đập bé. Ngày 21/11, với lỗi trên, Phượng dùng nước sôi tạt vào vai và tay phải của bé H. khiến bé bị bỏng nặng.

Hai bé sau đó được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang chăm sóc. Hiện sức khỏe bé gái cơ bản ổn định, hoà nhập cùng các bạn.

Quy định về tội hành hạ người khác

Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho biết, Điều 12, điều 27 chương II, Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển; được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.  

Do đó, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em. Mọi hành động bạo lực, bạo hành, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc thường xuyên đánh đập, hành hạ cháu bé là hành vi đối xử tàn ác, mang tính chất hành hạ người khác. 

Bởi vậy, theo luật sư, trường hợp có đủ căn cứ, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt tù thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 3 năm.

Mẹ nuôi tạt nước sôi cháu bé 12 tuổi do làm mất vé số, có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Bé P.D.G.H. (12 tuổi) bị mẹ nuôi tạt nước sôi vào cánh tay. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Ngoài ra, bị can còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tài Điều 134, Bộ luật hình sự do có hành vi tạt nước sôi vào cháu bé. Mức hình phạt với tội danh này sẽ phụ thuộc tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của cháu bé.

Luật sư Huy cho biết thêm, hành vi của bị can trong vụ việc còn có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự gồm: Phạm tội 02 lần trở lên; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi theo các Điểm g, i Điều 52, Bộ luật Hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân để có căn cứ áp dụng các tình tiết theo quy định của pháp luật. Trường hợp, đối tượng có biểu hiện bất thường về tâm lý thì cơ quan chức năng có thể cho đi giám định tâm thần để xác định năng lực trách nhiệm hành vi dân sự (bởi một người bình thường rất khó để có thể nhẫn tâm thực hiện một hành vi tàn bạo đến thế). 

Trường hợp thời điểm xảy ra vụ việc, đối tượng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nhận thức rõ được việc làm của mình thì đối tượng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.