Mới đây, câu chuyện phản ánh 118 hộ dân với 375 nhân khẩu thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội hiện trong tình trạng ''vô thừa nhận", "không ai ngó đến" nhận được sự quan tâm của dư luận.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã giao Chủ tịch huyện Ba Vì phối hợp thị xã Sơn Tây rà soát. "Dù ranh giới thế nào thì những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như cơ sở hạ tầng, tạm trú tạm vắng, vệ sinh an toàn phải đảm bảo", ông Hải nói.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc tích cực hơn, xử lý dứt điểm vấn đề này. Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở liên quan phải phối hợp với huyện Ba Vì giải quyết dứt điểm, có thời hạn cụ thể.
"Bây giờ không thể làm lòng vòng nữa. Khó mấy, vướng mấy cũng phải giải quyết để các hộ dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất", bà Hoài yêu cầu.
Trước sự việc này, PV Dân Việt đã tìm về thôn Xuân Hoà, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì lắng nghe những tâm tư chia sẻ của người dân. Các hộ dân nơi đây đa phần gắn liền với công việc chăn nuôi bò sữa.
Ông Lê Văn Sử (53 tuổi, người dân thôn Xuân Hoà) chia sẻ, trước đây gia đình ông thuộc địa giới hành chính xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Từ năm 2017, cơ quan chức năng phân lại địa giới hành chính, diện tích xóm thuộc về thị xã Sơn Tây.
Tuy nhiên, theo ông Sử, thị xã không tiếp nhận con người, địa bàn hay đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực 118 hộ dân sinh sống khiến người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
"Việc không được tiếp nhận khiến các thủ tục hành chính như tạm trú, tạm vắng, không có đơn vị nào giải quyết. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, không được đầu tư từ hàng chục năm nay, trật tự xây dựng không đơn vị nào quản lý.
Hơn 7 năm qua, cụm dân cư ở xóm 4 của chúng tôi không được hưởng chế độ gì về xây dựng nông thôn mới. Người dân phải đóng góp tiền tu sửa đường làng, ngõ xóm. Bà con thiệt thòi đủ đường. Người dân chịu cảnh "đất một nơi, khẩu một nẻo" khiến việc học hành của con cái phức tạp, gia đình cần đầu tư vay vốn ngân hàng không vay được, nhiều thì chỉ vay được vài chục triệu không giải quyết được việc gì", ông Sử than thở.
Tiếp lời ông Sử, một người dân thôn Xuân Hoà chia sẻ thêm, sau năm 2017, địa giới hành chính phân chia lại, một phần thôn thuộc Sơn Tây, bà con nhân dân sống xin tạm trú tạm vắng Công an xã Vân Hoà, huyện Ba Vì không làm với lý do "nơi sinh sống nằm ngoài địa giới hành chính huyện Ba Vì".
"Nhân dân đóng đầy đủ tất cả thuế, dân vận… nhưng quyền lợi không được hưởng đầy đủ. Đơn cử như người dân không được đầu tư về hệ thống kênh mương, hệ thống giao thông nội bộ, không chuyển nhượng được đất cho con cháu, làm công tơ điện gặp muôn vàn khó khăn.
Người dân làm tạm trú tạm vắng công an xã không làm, họ bảo không đủ thẩm quyền cho làm. Công an không thể xác nhận cho người ngoài địa giới Vân Hoà được, sang xã Kim Sơn với Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) thì không biết mình là ai, họ nói có nhận tiếp quản đâu", người dân này tâm tư.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Tiến Vinh, Trưởng thôn Xuân Hòa, chia sẻ cụm dân cư có 118 hộ dân, diện tích khoảng 2 km2 đang trong tình trạng vô thừa nhận.
Trước đây số hộ dân này thuộc địa giới hành chính xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Tuy nhiên, từ năm 2017 cơ quan chức năng phân lại địa giới hành chính, diện tích xóm thuộc về thị xã Sơn Tây. "Tuy nhiên, thị xã không tiếp nhận con người, địa bàn hay đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực 118 hộ dân sinh sống", ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, việc không được tiếp nhận khiến các thủ tục hành chính như tạm trú, tạm vắng không có đơn vị nào giải quyết. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, không được đầu tư từ hàng chục năm nay, trật tự xây dựng không đơn vị nào quản lý.
"Hơn 7 năm qua, cụm dân cư ở xóm 4 không được hưởng chế độ gì về xây dựng nông thôn mới. Cách đây hơn 1 tháng, người dân phải đóng góp tiền tu sửa đường làng, ngõ xóm. Bản thân tôi từng bắt 2 vụ trộm cắp giao cho Công an xã Vân Hoà, công an ra bảo không phải địa phận của họ. Tôi gọi báo công an xã giáp danh sau không biết xử lý thế nào", ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng chia sẻ, "không được thừa nhận" khiến việc xin trường lớp cho con cái nơi đây gặp khó khăn, lắp công tơ điện mất nhiều công đoạn, phức tạp.
"Trước đây chỉ cần đủ hồ sơ, photo giấy tờ, căn cước công dân, giấy tờ đất gốc là lắp được công tơ điện nhưng giờ những hộ ở nơi khác đến qua vài đời chủ không sang tên được cho họ nên để làm được mất rất nhiều thời gian, công sức", ông Vinh chia sẻ.
Trưởng thôn Xuân Hòa cho biết, sau chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, ngay ngày 6/12, cơ quan công an, địa chính của Ba Vì và thị xã Sơn Tây đã trực tiếp có mặt tại thôn để đo đạc, rà soát lại thực tế.
"Việc này khiến người dân chúng tôi rất phấn khởi khi lãnh đạo thành phố Hà Nội đã lắng nghe tâm tư của người dân, chỉ đạo các cấp có phương án xử lý kịp thời. Nguyện vọng của 118 hộ dân là được quay trở lại phần địa giới hành chính của huyện Ba Vì như trước đây, bởi mọi giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế vẫn là của huyện Ba Vì.
Nếu về với thị xã Sơn Tây, ngoài việc lấy địa giới hành chính thì chính quyền phải lấy cả con người và đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết chế độ chính sách. Về đây cũng được nhưng chúng tôi mong muốn là một thôn sáp nhập vào xã thay vì chia ra nhiều xã như trước", ông Vinh chia sẻ thêm.