Sống khổ tại “làng vô thừa nhận”

Minh Hậu Thứ ba, ngày 09/09/2014 09:02 AM (GMT+7)
Hơn 30 năm nay, hàng trăm hộ dân ở các ấp 1, 2, 3 đồi Bằng Lăng (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) sống khổ cực vì họ chưa từng được luật pháp thừa nhận. Việc không chứng minh nhân dân, không sổ hộ khẩu, không đăng ký kết hôn… đã đẩy  họ vào cuộc sống tăm tối.
Bình luận 0

Ấp 1, 2, 3 đồi Bằng Lăng (hay còn gọi là làng Bằng Lăng) nằm trên địa bàn xã Xuân Tâm, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Từ những năm 1980, khi vùng đất đồi Bằng Lăng đang hoang vu, rập rạp… hàng chục hộ dân ở khắp các huyện trong tỉnh Đồng Nai đổ về khai phá, mở đất làm nương rẫy. Sau đó không lâu, nhiều hộ dân người Việt ở Campuchia hồi hương cùng với những hộ dân khác từ khắp 3 miền về tụ tập, mưu sinh nên đã hình thành làng Bằng Lăng.

Làng “6 không”

Hiện nay, làng Bằng Lăng có khoảng 400 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu sống rải rác ở 3 ngọn đồi nhỏ. Do khai phá tự do, sinh sống từ những năm 1980 nên toàn bộ số hộ dân này không hề có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ - PV). Bà Lê Thị Thanh Hòa (45 tuổi) - cư dân làng Bằng Lăng cho biết: “Tôi định cư tại làng Bằng Lăng từ năm 1988 và đã có nhà cửa, ruộng vườn với diện tích hơn 2ha nhưng đến nay vẫn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không riêng gì gia đình tôi, tất cả các hộ dân khác ở làng Bằng Lăng đều không có sổ đỏ”.

Ngoài việc không có sổ đỏ, người dân làng Bằng Lăng còn phải chịu nhiều cái “không” khác. Theo người dân, họ định cư tại làng Bằng Lăng trên dưới 30 năm nhưng không một người nào được cấp giấy chứng minh nhân dân. Những hộ gia đình trong làng cứ thế sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng, trong nhà sống chung hai ba thế hệ nhưng không hề có sổ hộ khẩu, không hề có giấy đăng ký kết hôn. Hơn nữa, đến nay, người dân làng Bằng Lăng vẫn phải sống khổ vì không đường, không điện...

“Đi không nỡ, ở không xong”



Ông Phạm Thanh Trung 
  
Vì không có giấy tờ tùy thân nên không được cơ quan, đơn vị, công ty nào nhận vào làm việc. Do vậy, nhiều người muốn ra khỏi làng tìm việc, muốn thoát  khỏi kiếp sống lam lũ nhưng đều… không thể. 

 
Những người dân làng Bằng Lăng đều không có giấy tờ tùy thân nên chịu thiệt thòi đủ đường và luôn gặp khó khăn trong công việc. Ông Phạm Thanh Trung - Phó Trưởng ấp 2 đồi Bằng Lăng cho hay, trẻ em làng này muốn đi học cấp 2 hoặc học các cấp cao hơn nữa thì bố mẹ phải tìm cách nhập hộ khẩu cho con vào các hộ dân ngoài làng. “Đối với thanh niên, người lớn, vì không có các giấy tờ tùy thân nên không được cơ quan, đơn vị, công ty nào nhận vào làm việc. Do vậy, nhiều người muốn ra khỏi làng tìm việc, muốn thoát khỏi kiếp sống lam lũ nhưng đều… không thể” – ông Trung buồn bã tâm sự.

 

Cư dân làng Bằng Lăng sống chủ yếu dựa vào nghề nông, quanh năm làm rẫy tỉa ngô, trồng rau, nguồn thu chỉ đáp ứng cái ăn, cái mặc. Ông Lê Văn Quang (55 tuổi), ngụ ấp 3 đồi Bằng Lăng cho biết, vì cuộc sống khổ cực nên nhiều lần ông định bán đất, bán nhà để đi nơi khác làm ăn. Tuy nhiên, vì đất đai, nhà cửa, ruộng vườn đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nên không ai mua. Hơn nữa, nguồn thu từ việc trồng ngô chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, không có tích lũy nên không thể bỏ làng ra đi với hai bàn tay trắng.

Ông Phan Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tâm cho biết, người dân khai phá, định cư trái phép trên vùng đất quốc phòng nên vấn đề cấp sổ đỏ thuộc thẩm quyền quốc gia. Để giải quyết phần nào về quyền lợi cho người dân, UBND xã đã và đang tiến hành rà soát, cấp giấy tạm trú cho các hộ dân và làm giấy khai sinh cho trẻ em. Đối với việc cấp giấy chứng minh nhân dân, làm sổ hộ khẩu và làm đăng ký kết hôn, đến nay xã Xuân Tâm vẫn chưa có phương án giải quyết vì người dân làng Bằng Lăng đều không có nguồn gốc giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem