Dân Việt

Đánh thuế bất động sản theo năm sở hữu để hạn chế đầu cơ thổi giá

Phương Thảo 10/12/2024 15:11 GMT+7
Theo chuyên gia, đánh thuế bất động sản có thể ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường, nhưng điều này là cần thiết để giảm thiểu đầu cơ, ổn định giá nhà đất, tạo cơ hội cho người dân có nhu cầu ở thực dễ tiếp cận nhà ở.

Thanh khoản tăng nhưng tiềm ẩn nhiều bất ổn

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý 3/2024, có 38.398 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công, bằng 148,3% so với quý 2/2024, bằng 129% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, có lượng lớn các giao dịch xuất phát từ hoạt động đầu cơ và "lướt sóng" thay vì nhu cầu mua ở thực khiến giá nhà đất tiếp tục leo thang, xa tầm với của người dân.

Điều này đặt ra câu hỏi: Nếu không kiểm soát đầu cơ, liệu thị trường có thể ổn định và người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở hay không?

Như đã điểm ở bài "Đánh thuế bất động sản theo năm sở hữu: Giảm đầu cơ nhưng khó hãm đà tăng giá nhà", việc áp dụng chính sách thuế này là giải pháp cần thiết để giảm thiểu đầu cơ, dù có thể gây ảnh hưởng đến thanh khoản ngắn hạn. Nhưng như nhiều chuyên gia nhận định, một thị trường có thanh khoản đến từ giao dịch thực vẫn quan trọng hơn thanh khoản "ảo" từ đầu cơ.

Đánh thuế bất động sản theo năm sở hữu: Nguy cơ bóp nghẹt thanh khoản thị trường - Ảnh 1.

Đánh thuế bất động sản theo năm sở hữu: Nguy cơ bóp nghẹt thanh khoản thị trường. Ảnh: L.Q

Tác động của đánh thuế bất động sản: Góc nhìn đa chiều từ người dân và môi giới

Giá nhà tăng cao trong những năm gần đây đã khiến nhiều người dân có nhu cầu thực sự cảm thấy bất lực. Chị Nguyễn Thu Hà, một người kinh doanh tự do ở Hà Nội, chia sẻ: “Giá nhà leo thang quá nhanh, người mua thì vẫn gào thét vì không mua được nhà mà thanh khoản công bố lại cao vút. Giao dịch mua bán phần lớn đến từ việc lướt song, người mua để ở thực sự như chúng tôi không thể cạnh tranh nổi".

Nếu chính sách thuế được thực hiện tốt, những người đầu cơ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi lướt sóng, từ đó giá nhà có thể ổn định hơn. Điều đó mới thực sự giúp người dân như chúng tôi tiếp cận được với nhà ở.

Chị Hà tâm sự

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chị Phạm Thị Lan, môi giới bất động sản tự do cho rằng: Nếu thêm thuế, cả người mua lẫn người bán đều sẽ trì hoãn giao dịch. Người bán sợ lỗ vì bị đánh thuế nặng, người mua lại yêu cầu giá thấp hơn để bù chi phí thuế, khiến thị trường càng chững lại.

Đồng quan điểm, anh Hoàng Sơn, môi giới bất động sản tự do lại lo ngại rằng, việc áp thuế này sẽ khiến khách hàng vô cùng dè chừng trong giao dịch. Điều này làm giảm số lượng người tham gia thị trường, không chỉ khách hàng mà cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Đánh thuế bất động sản theo năm sở hữu: Nguy cơ bóp nghẹt thanh khoản thị trường - Ảnh 2.

Thanh khoản đang bị "đe doạ" khi người dân mang tâm lý: Cần phải tránh nghĩa vụ đóng thuế bất động sản theo năm sở hữu. Ảnh: T.N

Chuyên gia: Đánh thuế bất động sản để tái cấu trúc thị trường

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định rằng việc đánh thuế bất động sản là cần thiết để định hình lại thị trường. Ông đặt câu hỏi: “Thanh khoản tăng ồ ạt nhưng người dân vẫn không mua được nhà thì liệu điều đó có thực sự cần thiết?

Ông Đực cho rằng, chính sách thuế có thể chấp nhận làm giảm thanh khoản. “Những nhà đầu tư nhỏ lẻ vay vốn để lướt sóng chính là một trong nhiều tác nhân khiến giá nhà leo thang phi lý. Ngược lại, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn sẽ không chịu quá nhiều áp lực. Thuế chỉ khiến họ giảm một phần lợi nhuận chứ không ảnh hưởng đến khả năng nắm giữ dài hạn, vì bất động sản thường tăng giá theo thời gian,” ông phân tích.

Đánh thuế bất động sản theo năm sở hữu: Nguy cơ bóp nghẹt thanh khoản thị trường - Ảnh 3.

Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng cho rằng, việc đánh thuế này khiến nhiều nhiều nhà đầu tư không tiếp cận được vì chi cao. Ảnh: T.N

Chuyên gia đề nghị cần cân bằng giữa thanh khoản và lợi ích xã hội

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc đánh thuế bất động sản là bước đi cần thiết để ngăn chặn đầu cơ. Tuy nhiên, để tránh đánh đồng người có nhu cầu thực và đầu cơ thì cần có 1 chính sách linh hoạt chứ không "gò ép" vào 1 sắc lệnh chung.

Để chính sách này không gây tác động tiêu cực, ông Hiếu đề xuất cơ quan nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ như lộ trình thuế rõ ràng, ưu đãi cho người mua nhà lần đầu và phát triển nhà ở xã hội cần được triển khai đồng bộ.

Một thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và bền vững là mục tiêu mà chính sách thuế nên hướng đến, thay vì chỉ tập trung vào thanh khoản ngắn hạn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị

Chính sách thuế nào cũng sẽ có 2 mặt lợi và hại. Vậy nên, cần cân bằng hoặc ít nhất có thể tránh tối thiểu được rủi ro cho người dân. Việc áp thuế bất động sản cần phải đảm bảo công bằng, không gây tác động tiêu cực đến người mua nhà để ở. Chính sách không nên đánh đồng giữa các nhà đầu tư đầu cơ và người có nhu cầu thật sự, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đánh thuế bất động sản theo năm sở hữu: Nguy cơ bóp nghẹt thanh khoản thị trường - Ảnh 4.

Chuyên gia đề xuất cần một chính sách linh hoạt, không đánh đồng người có nhu cầu thực và cò đất đầu cơ, lướt sóng. Ảnh: T.N

Tình trạng "lướt sóng" khá phổ biến

Thực tế, tình trạng mua đi bán lại, "lướt sóng" nhà đất đang diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam. Báo cáo mới đây của PropertyGuru Việt Nam đã chỉ ra trong năm 2023, có 15% nhà đầu tư nắm giữ bất động sản mua vào rồi bán ra trong 3 tháng, 36% nắm giữ từ 3 - 6 tháng, 35% nắm giữ từ 6 - 12 tháng.

Điều này đồng nghĩa chỉ có 16% nhà đầu tư tại Việt Nam nắm giữ từ 1 - 2 năm hoặc lâu hơn.