Dân Việt

Bỏ việc công chức để chăm sóc chủ nhà trọ, báo đáp công ơn cũ

Trọng Hà (Theo Sina) 10/12/2024 19:00 GMT+7
Khi còn là học sinh trung học, hoàn cảnh gia đình khó khăn không cho phép Chu Quan Cảnh thuê trọ gần trường. Trong lúc tưởng chừng phải từ bỏ, ông gặp được bà Học Tú, người đã cho ông ở miễn phí trong căn nhà nhỏ của mình.

Chu Quan Cảnh, sinh năm 1976 tại thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, từng là học sinh xuất sắc và thủ khoa của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện khiến ông trở thành hình mẫu về lòng biết ơn và sự hy sinh lại không nằm ở thành tích học tập mà là cách ông đã báo đáp người chủ nhà cũ, bà Học Tú.

Khi còn là học sinh trung học, hoàn cảnh gia đình khó khăn không cho phép Chu Quan Cảnh thuê trọ gần trường. Trong lúc tưởng chừng phải từ bỏ, ông gặp được bà Học Tú, người đã cho ông ở miễn phí trong căn nhà nhỏ của mình. 

Không chỉ vậy, bà Học Tú chăm sóc Chu như con trai, từ việc chuẩn bị bữa sáng, nấu cháo đêm đến việc giữ ấm trong mùa đông giá lạnh. Nhờ sự giúp đỡ tận tâm đó, Chu đỗ thủ khoa đại học.

img

Trong suốt 9 năm, Chu Quan Cảnh làm mọi việc từ chăm sóc bà Học Tú đến kèm cặp học tập cho cháu gái bà. Sina.

Sau khi tốt nghiệp, Chu trở thành công chức tại Bắc Kinh. Mỗi tháng, ông trích một phần lương gửi về giúp bà. Tuy nhiên, khi biết bà mắc bệnh nặng vào năm 2001, Chu quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước để về quê chăm sóc bà Học Tú và nuôi dưỡng cháu gái bà. Hành động này ban đầu vấp phải sự phản đối từ gia đình, nhưng Chu thuyết phục họ bằng lòng biết ơn sâu sắc: “Nếu không có dì, con đã không thể vào được đại học.”

Những năm tháng hy sinh vì lòng biết ơn

Trong suốt 9 năm, Chu Quan Cảnh làm mọi việc từ chăm sóc bà Học Tú đến kèm cặp học tập cho cháu gái bà. Ông tiêu hết 30.000 tệ tiền tiết kiệm, vay mượn thêm 100.000 tệ và làm việc thời vụ để duy trì cuộc sống. Dưới sự giúp đỡ của ông, cháu gái bà Học Tú cũng trở thành học sinh xuất sắc.

Khi cháu gái trưởng thành và có thể tự chăm sóc bà, Chu quay lại con đường học tập, đỗ cao học tại Đại học Dân tộc Trung ương. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành Trưởng phòng pháp chế của Ủy ban nhân dân thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông. Dù bận rộn với công việc, ông luôn dành thời gian rảnh rỗi để thăm bà Học Tú, người mà ông xem như người mẹ thứ hai.

Hành động cao đẹp của Chu Quan Cảnh được cộng đồng và chính quyền ghi nhận. Năm 2017, ông được vinh danh là “Người tốt của Trung Quốc,” và năm 2018, trở thành một trong 10 gương mặt tiêu biểu của “Người Sơn Đông sống tốt.” Dẫu vậy, Chu khẳng định ông không quan tâm đến danh hiệu, chỉ mong muốn phụng dưỡng bà Học Tú trọn vẹn như lời hứa năm xưa.

“Dì đã cho tôi tình yêu thương ở thời điểm khó khăn nhất. Tôi luôn cảm ơn vì cuộc đời đã cho mình tới hai người mẹ,” ông xúc động chia sẻ. Câu chuyện của Chu Quan Cảnh không chỉ là bài học về lòng biết ơn mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều người trong xã hội hiện đại.