Nội dung diễn tập nhằm thực hiện theo Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố về việc thực hiện Đề án: "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Tình huống giả định: Do mưa lớn xảy ra trong nhiều ngày, phía thượng nguồn xuất hiện lũ ống trên các con suối đổ về, nước sông dâng cao, đặc biệt, áp thấp gần bờ đã gây mưa chưa từng xảy ra trong 40 năm qua, trong đó có Thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ. Không những vậy, mực nước sông Hồng hiện nay đang dâng cao trên báo động 3 do có lệnh xả lũ của thủy điện Hòa Bình, cống Vân Cốc mở 26 cửa.
Trước tình huống đó, sau khi nhận được công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và huyện Phúc Thọ; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ đã tổ chức ngay cuộc họp nhằm quán triệt, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban ngành, đoàn thể trong xã.
Cụ thể, theo chỉ đạo, hướng dẫn của UBND xã Ngọc Tảo, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã và Hạt Quản lý đê số 2; lực lượng thường trực trên điếm canh đê 13 đã phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra canh gác theo quy định.
Đặc biệt, các tổ đã tiến hành kiểm tra mặt mái đê, hành lang bảo vệ đê thượng hạ lưu khu vực đê, và các công trình liên quan tương ứng vị trí từ Km 7+500-K7+800 đê Ngọc Tảo, thuộc địa phận xã Ngọc Tảo huyện Phúc Thọ.
Trong quá trình tuần tra đê theo quy định, lực lượng tuần tra đê phát hiện tại vị trí K7+500-K7+530 đê Ngọc Tảo xuất hiện hiện tượng thẩm lậu mái đê hạ lưu, hiện tại mực nước sông Hồng đang ở mức trên Báo động số 3. Phạm vi xảy ra thẩm lậu có chiều dài theo mái đê khoảng 30m, cao trình xuất hiện thẩm lậu tương ứng +13,5m; Tiếp tục tuần tra đê theo quy định, lực lượng tuần tra đê phát hiện tại vị trí K7+550-K7+580 mặt đê bị nứt dọc vết nứt dài 30m, rộng từ 1-10cm, sâu từ 1-10 cm, cách mép nhựa phía hạ lưu 1m; vị trí K7+650-K7+680 đê Ngọc Tảo xuất hiện cung sạt mái đê, cách mặt đê 3,5m, cao trình mặt đê +17. Kích thước hiện trạng sự cố: Dài 30m, rộng 5m, vách cung sạt cao 0,3m.
Ngay sau đó, điếm trưởng điếm số 13 đã bình tĩnh dùng cọc tiêu đánh dấu vị trí, đồng thời cấp báo về BCH PCTT & TKCN xã Ngọc Tảo, Hạt Quản lý đê số 2 về diễn biến, mức độ của sự cố. Nhận định đây là các sự cố nguy hiểm đến an toàn của đê, nếu kéo dài có thể dẫn đến vỡ đê (do đã được tập huấn hằng năm).
Nhận được tin báo của lực lượng thanh tra canh gác điếm canh đê số 13, BCH PCTT & TKCN xã Ngọc Tảo cùng Hạt Quản lý đê số 2 kiểm tra và báo cáo BCH PCTT& TKCN huyện diễn biến và đề nghị cho xử lý giờ đầu sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đê điều.
Theo lệnh của BCH PCTT & TKCN huyện Phúc Thọ, lực lượng dân quân tự vệ được huy động trực tiếp thi công xử lý; BCH PCTT &TKCN huyện Phúc Thọ cử 01 đồng chí cùng lực lượng quản lý đê chuyên trách 02 đồng chí làm nhiệm vụ chỉ huy và hướng dẫn kỹ thuật xử lý sự cố:
Đối với tình huống thẩm lậu mái đê hạ lưu: Lực lượng trực tiếp xử lý sự cố gồm 100 người được chia thành 04 nhóm để thực hiện nhiệm vụ.
Nhóm 1 gồm 30 người (lực lượng dân quân tự vệ xã) chia thành các tổ 03 người thực hiện như sau: 10 người cắm cọc định hình, 10 người dùng quốc khai đào rãnh thoát nước, 10 người dùng xẻng xúc đất chuyển đi, 03 người dùng mai, thuổng để chỉnh sửa rãnh đảm bảo rãnh được khơi sâu không quá 60 cm (sâu quá ảnh hưởng đến an toàn đê, nông quá ít có tác dụng), rãnh rộng 40 cm, đáy rãnh rộng 30cm, rãnh được khơi đào vuông góc với chiều dài mái đê, đối với trường hợp này ta khơi rãnh theo hình chữ Y.
Nhóm 2 gồm 10 người xúc vật liệu tại vị trí vật liệu được tập kết sẵn có nhiệm vụ dùng xẻng xúc vật liệu cát, đá dăm vào thúng.
Nhóm 3 gồm 50 người dùng xô vận chuyển vật liệu lọc cát, đá dăm đến vị trí đã được khơi rãnh lần lượt dải đều xuống đáy rãnh theo hướng dẫn của Hạt quản lý đê, khơi rãnh đến đâu đặt vật liệu lọc đến đó.
Nhóm 4 gồm 10 người đồng thời với nhóm 3 thi công vật liệu lọc trong rãnh, tiến hành vận chuyển đá hộc (có đường kính lớn nhất 20cm) đặt tại cuối rãnh chữ Y để giữ ổn định vật liệu lọc. Bắc máng dẫn nước ra sa ngoài chân đê.
Như vậy sau gần một giờ đồng hồ tập trung xử lý, sự cố thẩm lậu mái đê hạ lưu vị trí K7+500- K7+530 đã được xử lý xong, đảm bảo an toàn công trình đê điều.
Đối với tình huống nứt dọc mặt đê: Lực lượng trực tiếp xử lý sự cố gồm 100 người được chia thành 04 nhóm để thực hiện nhiệm vụ.
Nhóm 1: 50 người lấy bạt ở vị trí tập kết trải lên vị trí đê bị nứt, bát được trải ngang vuông góc với vết nứt, các lớp bạt trồng được xếp trồng lên nhau đảm bảo nước không thấm, chảy vào khe nứt.
Nhóm 2: 10 người vận chuyển vật liệu ghim các đầu bạt đến vị trí xử lý.
Nhóm 3: 20 người dùng xẻng xúc cát, đất vào bao tải.
Nhóm 4: 20 người vận chuyển bao tải đất cát đến vị trí đã trải bạt để cố định giữ cố định bạt.
Khi xử lý sự cố nứt mặt đê các lớp bạt phủ phải chồng khít lên nhau, đảm bảo không để nước mặt tiếp xúc với khe nứt làm phá vỡ liên kết và mở rộng thêm khe nứt gây nguy hại cho thân đê, giữa các lớp bạt phủ. Lớp bạt phủ phải căng, phẳng và đánh dốc về một phía để không bị đọng nước. Sau khi xử lý xong vẫn thường xuyên theo dõi, diễn biến của vết nứt.
Như vậy sau gần một giờ đồng hồ tập trung thi công xử lý giờ đầu nứt đê tại vị trí K7+550-K7+580 đã được xử lý xong, đảm bảo an toàn công trình đê điều.
Đối với tình huống sạt mái đê phía đồng: Lực lượng trực tiếp xử lý sự cố gồm 100 người được chia thành 02 nhóm để thực hiện nhiệm vụ.
Nhóm 1 gồm 30 người chuẩn bị búa hoặc vồ, phên nứa và cọc tre từ vị trí tập kết vật liệu, một người định vị các vị trí để đóng cọc làm hàng cừ.
Nhóm 2 gồm 70 người vận chuyển đất, cát và cho đất, cát vào bao tải để đắp cơ chống trượt.
Sau hơn 60 phút thi công về cơ bản cung sạt, trượt đã được xử lý giờ đầu đảm bảo quan sát không có hiện tượng sạt trượt phát triển thêm.
Kết thúc buổi diễn tập Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo cho biết, thông qua buổi diễn tập này, lực lượng phòng, chống thiên tai của xã có thêm kiến thức, kỹ năng bảo vệ hệ thống đê điều.