Hà Nội nhanh chóng xử lý các sự cố đê điều do mưa bão gây ra

PV Thứ hai, ngày 11/11/2024 12:12 PM (GMT+7)
Hà Nội đã bố trí kinh phí khắc phục triệt để các sự cố do hoàn lưu bão số 3 gây ra, trong đó ưu tiên nguồn lực xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục các sự cố nghiêm trọng ở gần khu dân cư.
Bình luận 0

Trong báo cáo của UBND Thành phố gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão trên địa bàn Thành phố nêu rõ, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương và Thành phố, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cấp cơ sở, các sở, ban, ngành.

Về mặt tổng thể, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt kết quả tốt, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản; nhân dân được đảm bảo an toàn; hệ thống công trình ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra. Đặc biệt, công tác di dân, đảm bảo an toàn cho nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai theo đúng kế hoạch, không bị động, không bất ngờ mặc dù sau nhiều năm mới có lũ.

Sau mưa bão, trên 23.000 ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát; trên 15.000 ha lúa bị ngập; khoảng 13.000 ha rau màu bị ngập, ảnh hưởng; 9.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; trên 4.000 ha thủy sản bị ảnh hưởng; trên 3.000 con gia súc bị chết; trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc… xảy ra 49 sự cố công trình đê điều và khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi bị ảnh hưởng.

Hà Nội nhanh chóng xử lý các sự cố đê điều do mưa bão gây ra - Ảnh 1.

Hà Nội đã nhanh chóng xử lý các sự cố đê điều do mưa bão gây ra. Ảnh: N.Đ.

Ngay sau đó, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất cây trồng vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 18 ngày 4/10/2024.

Thành phố sẽ sử dụng ngân sách Thành phố hỗ trợ có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định.

Về công tác khắc phục, đầu tư hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, cơ quan chức năng dự kiến tổng kinh phí để khắc phục các công trình đê điều, thủy lợi bị thiệt hại với nhu cầu kinh phí khoảng 868,478 tỷ đồng (chưa tính các công trình đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn). 

Trong đó, với 49 sự cố công trình đê điều trên địa bàn Hà Nội, kinh phí khắc phục dự kiến thực hiện khoảng 744,9 tỷ đồng; Các sự cố công trình thủy lợi Thành phố quản lý (khoảng 150 sự cố) đề xuất hình thức xử lý là duy tu, cải tạo, sửa chữa với tổng kinh phí dự toán thực hiện là 123,578 tỷ đồng.

UBND Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên những công trình cần thiết đưa vào Kế hoạch vốn năm 2025. Ưu tiên khắc phục sớm công trình trọng điểm ở gần khu dân cư

Ngoài giải pháp công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tăng cường phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi…

Đối với việc triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số địa phương, theo ghi nhận:

Tại huyện Chương Mỹ nơi bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, do nước sông Bùi dâng cao vượt báo động lũ cấp III tới 80cm đã làm 25,18km đê trên địa bàn huyện bị tràn.

Trước tình hình đó, các xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc lệnh báo động lũ, huy động 6.223 người; trong đó, lực lượng tại chỗ là 5.563 người, lực lượng quân sự huyện là 10 người, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội là 650 người); sử dụng 87.400 vỏ bao tải, 5.150m2 bạt, 9.455m3 đất, đá, cát, 184 phương tiện đắp chống tràn, xử lý sự cố đê điều…

Hà Nội nhanh chóng xử lý các sự cố đê điều do mưa bão gây ra - Ảnh 2.

Công trình đê điều ở Hà Nội bị ảnh hưởng được xử lý kịp thời sau mưa bão. Ảnh: N.Đ.

Hay tại huyện Mỹ Đức hoàn lưu bão số 3 đã làm 23,5km đê của huyện bị tràn. Các xã, thị trấn đã huy động 12.900 lượt người, 80 ôtô các loại, 19 máy xúc, sử dụng hơn 2.600m3 cát, 620m3 đất và hơn 71.500 bao tải... để chống tràn, không cho sự cố phát triển tới mức vỡ đê.

Để góp phần triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, UBND Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành Trung ương:

Hỗ trợ kinh phí, cho phép nghiên cứu, xây dựng và sớm triển khai đầu tư hệ thống công trình đề điều, thủy lợi và các hồ chứa lớn trên địa bàn thành phố; Nghiên cứu phương án xây dựng đập điều tiết ngang sông Hồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được phê duyệt trong Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi, nhằm giải quyết đa mục tiêu, các vấn đề về nguồn nước tưới, tiêu hiện nay trên địa bàn Thành phố;

Sớm ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai Luật Phòng thủ dân sự; điều chỉnh Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo hướng tăng mức hỗ trợ; tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và sửa đổi bổ sung Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem