Vai trò lịch sử của Nhà máy nước mini
Hải Phòng là một trong những địa phương sớm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch nông thôn và đề ra mục tiêu 80% người dân ngoại thành được dùng nước sạch vào năm 2000 và 100% người dân nông thôn được dùng nước sạch, đạt tiêu chuẩn vào năm 2025.
Trở lại bối cảnh 30 năm trở về trước, người dân nông thôn còn chưa có thói quen bỏ tiền mua nước sạch, chủ yếu sử dụng nước mưa tích trữ trong bể để làm nước ăn, còn dùng nước ao, nước sông để sinh hoạt.
Khi thành phố công nghiệp hóa, nhà máy xí nghiệp mọc lên nhiều, ngay cả nguồn nước mưa cũng bị ô nhiễm; nước ao hồ ngày càng bị ô nhiễm nặng, nhu cầu nước sạch ở nông thôn ngày càng trở nên bức thiết.
Công ty Cấp nước Hải Phòng - doanh nghiệp nhà nước duy nhất trên lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn khi đó cũng chỉ tập trung vào nhiệm vụ cung cấp đủ nguồn nước phục vụ nhân dân nội thành Hải Phòng.
Để đạt được mục tiêu 80% người dân nông thôn được dùng nước sạch vào năm 2000, Hải Phòng đã có chính sách hỗ trợ, xã hội hoá, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng góp vốn đầu tư xây dựng các nhà máy nước mini. Tùy điều kiện của từng địa phương, chính quyền sẽ tạo điều kiện về đất đai, thành phố hỗ trợ thêm vốn (mỗi nhà máy nước mini được hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng)... để xây dựng nhà máy nước tập trung.
Với chính sách này, chỉ trong một thời gian ngắn, hầu như các xã ngoại thành Hải Phòng đều có nhà máy nước mini, nhà máy nước tập trung để phục vụ bà con.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2015, tại các địa phương ngoại thành Hải Phòng, có 161 nhà máy nước tập trung được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hoá và có một phần vốn hỗ trợ từ ngân sách. Cho đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn Hải Phòng được sử dụng nước sạch từ các nhà máy nước tập trung đạt 99,3%, nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường được nâng cao, thói quen sử dụng nước sạch cũng đã dần thay đổi, bà con đã có ý thức bỏ tiền để được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh...
Mục tiêu vì cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn
Những năm gần đây, thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng đã góp phần nâng cao, cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Cùng với đời sống được nâng cao, nhu cầu sử dụng chất lượng các loại hàng hóa, dịch vụ trong đó có nước sạch cũng ngày một cao hơn. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, các con kênh bị thu hẹp do mở rộng đường, việc xả thải từ các mô hình chăn nuôi, VAC trong dân, xả thải sinh hoạt, sự biến đổi khí hậu... làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này khiến các nhà máy nước chịu áp lực không nhỏ.
Nghị quyết 15 của Thành uỷ Hải Phòng nêu rõ quan điểm, mục tiêu duy trì hoạt động bền vững của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, bảo đảm cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Nghị quyết 15 đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, mục tiêu trên, trong đó giải pháp chấm dứt hoạt động đối với hàng loạt các nhà máy nước theo lộ trình từ năm 2024 đến năm 2027. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà máy nước có nguy cơ bị ngừng hoạt động băn khoăn, trăn trở.
Theo đề xuất của cơ quan chức năng, lộ trình chấm dứt hoạt động của các nhà máy nước nông thôn hiện nay sẽ được thực hiện như sau.
Từ năm 2024 - 2027, sẽ có 63 nhà máy nước dừng hoạt động. Trong đó, ngay trong năm 2024, dừng hoạt động đối với 42 nhà máy, trong đó có 14 nhà máy nước có giá trị tài sản khi xác định giá trị còn lại tính bình quân phân bổ cho các hộ dân dưới 1 triệu đồng/hộ và giá trị hết khấu hao; 28 nhà máy hoạt động kém.
Trong năm 2025 tiếp tục dừng hoạt động đối với 4 nhà máy nước khi xác định giá trị còn lại tính bình quân phân bổ cho các hộ dân mức trên 1 triệu đến 3 triệu đồng/hộ và tài sản đầu tư có giá trị lớn trong giai đoạn từ 2017 trở về trước.
Trong năm 2027 sẽ dừng hoạt động đối với 17 nhà máy nước còn lại trong đó có 7 nhà máy nước thuộc nhóm trung bình, 3 nhà máy thuộc nhóm hoạt động tốt nhưng không đạt tiêu chí nâng cấp và 7 nhà máy theo đề nghị của UBND huyện Thuỷ Nguyên khi xác định giá trị còn lại tính bình quân phân bổ cho các hộ dân từ mức trên 3 triệu đồng/hộ, thời gian đầu tư tài sản có giá trị lớn trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay.
Ông Ninh Hoài Thắm, Giám đốc Nhà máy nước Minh Tân, huyện Kiến Thuỵ chia sẻ, ông và rất nhiều các chủ nhà máy nước nông thôn hiện nay còn đang rất "tâm tư" với giải pháp cho dừng hoạt động đối với các nhà máy nước nông thôn được xây dựng trước đây.
Quan điểm của ông Thắm cho rằng, đối với các nhà máy có nguồn nước thô không đảm bảo, nhà máy chưa đầu tư bài bản, không xử lý tốt, cho ra chất lượng sản phẩm nước sinh hoạt không đảm bảo đáp ứng yêu cầu thì có thể vận động, hỗ trợ cho ngừng sản xuất theo lộ trình thành phố đã đặt ra.
Tuy nhiên, còn rất nhiều nhà máy đã đầu tư vốn nhiều tỷ đồng, nâng cấp quy mô, nguồn nước thô đảm bảo, quy trình sản xuất hiện đại, chất lượng nước đầu ra đạt chất lượng, dịch vụ tốt thì nên được ưu tiên cho họ tiếp tục sản xuất.
Chính vì vậy, ông Ninh Hoải Thắm đề nghị, rà soát đánh giá chi tiết tình trạng hoạt động của các nhà máy, công nghệ xử lý nước, vùng phục vụ, chất lượng nước, chất lượng dịch vụ để lựa chọn nhà máy nước đủ điều kiện tồn tại, cập nhật vào quy hoạch theo quy định, tạo điều kiện cho các nhà máy nâng cấp đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu của cơ quan quản lý là việc làm cần nghiêm túc, khách quan, toàn diện và đòi hỏi sự công bằng, minh bạch.
Một chủ nhà máy nước nông thôn phản ánh, hiện nay, các cơ quan chức năng của Hải Phòng đang rà soát dựa vào những tiêu chí mà lỗi chủ quan không thuộc về các đơn vị sản xuất. Ví dụ như: vị trí đặt nhà máy, nguồn nước đầu vào kém, không có giấy phép xây dựng, không có quyết định giao đất, cho thuê đất…
Theo vị này, căn cứ các tiêu chí này để trừ vào điểm lỗi của các nhà máy phân ra các nhóm "nhà máy tốt, trung bình và kém" là không khách quan, công bằng. "Do tính lịch sử từ nhiều năm trước, tất cả các nhà máy nước mini đều không có quyền tự đặt vị trí nhà máy của mình, mà do huyện trích đo, xã cấp đất, đặt ở vị trí nào là do địa phương kết hợp với Trung tâm nước sạch -Sở NN&PTNT, không phải Nhà máy tự lựa chọn vị trí. Nay các lỗi đó lại đổ lên đầu chúng tôi là không công bằng", vị này nói.
Cách nào để cá nhân, doanh nghiệp có công không bị thiệt thòi?
Về chủ trương vận động nhân dân tự nguyện đóng góp và huy động kinh phí từ các nguồn xã hội hoá hợp pháp khác để hoàn trả phần giá trị tài sản còn lại của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư tại các nhà máy nước phải dừng hoạt động cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn.
"Tôi cho rằng cần phải thực hiện việc thoả thuận, tính toán bồi thường hỗ trợ xong trước khi cho đơn vị cấp nước mới vào lấy quyền kinh doanh và vùng phục vụ cấp nước của chúng tôi để tránh động cơ lợi ích nhóm, thâu tóm quyền lợi kinh doanh, vi phạm các quy định của pháp luật", vị này nói.
Ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thuỷ sản và Dịch vụ môi trường Tiên Lãng, chia sẻ, Hợp tác xã (HTX) đang đầu tư, quản lý, vận hành 2 nhà máy nước trên địa bàn huyện Tiên Lãng, gồm Nhà máy nước xã Đoàn Lập 1 và Nhà máy nước Kiến Thiết, cung cấp nước trên địa bàn 3 xã.
Chủ trương của thành phố và huyện Tiên Lãng đồng thuận cho các nhà máy nước ngừng hoạt động để nhường “Vùng phục vụ cấp nước tập trung” cho đơn vị khác có năng lực cấp nước và có nguồn nước đầu vào tốt hơn phục vụ nhân dân.
UBND huyện Tiên Lãng đã thuê đơn vị thẩm định giá, xác định giá trị còn lại 2 nhà máy nước của HTX còn lại là 16,3 tỷ đồng. Theo các văn bản của cơ quan chức năng, số tiền nói trên sẽ được UBND Tiên Lãng và UBND các xã vận động nhân dân đóng góp để hỗ trợ cho các nhà máy nước. Tính ra, bình quân mỗi hộ phải đóng góp từ 3 - 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến nay HTX chưa nhận được bất cứ một văn bản nào nào thể hiện UBND huyện, UBND các xã sẽ đứng ra bồi thường, hỗ trợ...
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, cho biết, vấn đề xã hội hóa kinh phí từ phía nhân dân để giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho nhà máy nước cũ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên nếu có chủ trương giao, địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ vận động bà con…
Còn ông Đoàn Văn San, Chủ tịch UBND xã Tiên Thanh cho rằng, công lao của nhà máy nước mini là rất lớn, suốt trong thời gian mấy chục năm qua đã góp phần vào cải thiện đời sống sinh hoạt cho bà con. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn để giải quyết hỗ trợ nhà máy nước cũ nhường địa bàn cấp nước lại cho đơn vị mới thì rất khó.
Đối với xã Vinh Quang, ông Phạm Minh Hải, Chủ tịch UBND xã cho rằng, việc thay thế nguồn nước mới về địa phương là chính đáng và cần thiết. Nhưng theo ông Hải, việc vận động bà con đóng góp kinh phí theo chủ trương của thành phố để giải quyết vấn đề nhà máy nước hiện nay là “một bài toán khó”. Địa phương sẽ cố gắng hết sức, đồng hành vận động bà con khi có chủ trương. Tuy nhiên, ông Hải cũng đề xuất thành phố có phương án, nguồn kinh phí nào đó để hỗ trợ địa phương giải quyết trong trường hợp không vận động được bà con hỗ trợ…
Ông Phạm Văn Hòa, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng chia sẻ với báo chí, nhu cầu và quyền lợi của bà con về nguồn nước sạch là chính đáng; công lao và số vốn đầu tư của các nhà máy nước mini cũng không nhỏ. Nguồn nước thô cung cấp cho các đơn vị sản xuất nước sạch hiện nay khó lòng đáp ứng về chất lượng. Vì vậy, huyện Tiên Lãng đang tiến hành nhiều cuộc thanh, kiểm tra, khảo sát và bàn luận tìm cách tháo gỡ.
Hướng đi của huyện Tiên Lãng là sẽ đưa đơn vị cấp nước mới vào thay thế cho các nhà máy nước trên địa bàn; sử dụng hệ thống nước từ các địa phương khác trong và ngoài thành phố có nguồn nước thô đảm bảo quy định của Bộ Y tế.
Vấn đề đặt ra, khi các doạnh nghiệp hoạt động cấp nước giải thể, nguồn vốn họ đầu tư vào nhà máy chưa được khấu hao hết sẽ lấy lại bằng cách nào. Chính quyền huyện cũng như thành phố có chính sách gì để hỗ trợ cho việc chuyển đổi công việc đối với các đơn vị đang hoạt động cấp nước này?
Để làm được điều này, ông Hòa cho rằng cần sự chung tay, góp sức và thấu hiểu, đồng lòng của nhân dân cũng như các chủ nhà máy nước, vì cuộc sống tốt đẹp hơn.