Hơn 100 công trình nước sạch nông thôn ở Phú Thọ "đắp chiếu", vì sao nên nỗi?
Phú Thọ: Hơn 100 công trình nước sạch nông thôn "đắp chiếu", 64 công trình hoạt động kém hiệu quả
Hoan Nguyễn
Thứ sáu, ngày 08/12/2023 18:21 PM (GMT+7)
Tại phiên họp chất vấn với HĐND tỉnh Phú Thọ, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đã chỉ rõ và đưa ra giải pháp về việc hệ thống công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không sử dụng được.
Trong phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ nhận được 5 câu hỏi chất vấn, tập trung vào các nội dung về công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt nông thôn và vi phạm hành lang đê điều.
Cụ thể, tại phiên chất vấn, đại biểu Đặng Thị Tình (tổ đại biểu huyện Yên Lập) nêu vấn đề về việc hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không sử dụng được. Theo đó, toàn tỉnh Phú Thọ chỉ còn 31 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung hoạt động bền vững, 10 công trình hoạt động trung bình; có tới 64 công trình hoạt động kém hiệu quả và 103 công trình không sử dụng.
Cũng theo đại biểu Đặng Thị Tình, phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được đầu tư từ lâu, chủ yếu sử dụng nước ngầm và nước tự chảy quy mô nhỏ, công nghệ lọc cũ, lạc hậu hiện đã xuống cấp; nhiều công trình hư hỏng, hoạt động không hiệu quả.
Trước thực trạng này, đại biểu Tình đặt câu hỏi chất vấn ngành Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ có giải pháp như thế nào để đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu Đặng Thị Tình, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, trên địa bàn tỉnh có trên 200 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Trong đó, 21 công trình do các doanh nghiệp quản lý, đây là những công trình lớn có quy mô liên xã, cơ bản hoạt động tốt.
Ngoài ra, có 180 công trình do UBND xã quản lý, đây là các công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134, 135 và chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện miền núi. Các công trình này được sử dụng lâu, trong quá trình khai thác không được duy tu, sửa chữa thường xuyên nên hiện xuống cấp khá nhiều.
Trước hiện trạng hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không sử dụng được, ngành NNPTNT sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống công trình cấp nước; tham mưu với UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ và các doanh nghiệp có năng lực quản lý khai thác, cải tạo, nâng cấp thường xuyên các công trình cấp nước liên xã.
Đối với các công trình do UBND xã quản lý sẽ thành lập tổ chức có đủ năng lực để quản lý khai thác đưa vào sử dụng. Đồng thời, Sở NNPTNT sẽ thực hiện đồng loạt các giải pháp đảm bảo tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo đúng kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030 được UBND tỉnh ban hành vào tháng 7 vừa qua.
Bên cạnh đó, Giám đốc NNPTNT tỉnh Phú Thọ cũng trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Thị Tuyết Mai (tổ đại biểu huyện Tân Sơn) về các giải pháp để nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Tân Sơn.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo cải tạo, nâng cấp được 13 công trình; sửa chữa 16 trạm bơm và gần 8.000km kênh mương trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp còn nhỏ lẻ, chưa có nguồn vốn lớn để sửa chữa tổng thể.
Thời gian tới, ngành sẽ chỉ đạo Công ty khai thác công trình Thủy lợi và các hợp tác xã Thủy lợi tiếp tục dành nguồn lực để đầu tư, sửa chữa các công trình do công ty, hợp tác xã quản lý.
Về lâu dài, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo an ninh nguồn nước, đề ra từ nay đến giai đoạn 2030-2045, tập trung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thuỷ lợi với tổng kinh phí hơn 12.500 tỷ đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời ngành tham mưu cho tỉnh báo cáo các bộ ngành trung ương hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp và xây mới trên địa bàn nói chung và Tân Sơn nói riêng.
Cũng chất vấn về vấn đề công trình thủy lợi, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Ngọc (tổ đại biểu huyện Thanh Thủy) nêu câu hỏi, trên địa bàn xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy) có một số trường hợp người dân, thậm chí là chính quyền cấp xã xây dựng công trình kiên cố trong hành lang bảo vệ đê, đồng thời cũng là hành lang bảo vệ công trình giao thông. Đề nghị Giám đốc Sở NNPTNT cho biết thực trạng vi phạm pháp luật về đê điều này và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc để xảy ra vi phạm, biện pháp khắc phục?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ thông tin, trên địa bàn xã Đồng Trung hiện có 6 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, đã xử lý 2 vụ, 4 vụ đang trong quá trình xử lý. Trước vi phạm, Sở NNPTNT đã chỉ đạo Hạt quản lý đê Tam Thanh phối hợp với UBND xã nhiều lần lập biên bản vi phạm và yêu cầu khắc phục trả về nguyên trạng, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cũng cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh tình trạng vi phạm hành lang đê điều cũng như hành lang giao thông chủ yếu tập trung ở 3 nội dung: Vi phạm các hoạt động về bến bãi; vi phạm về hành lang đê; vi phạm về bãi sông. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành, thị phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành giao thông vận tải, tài nguyên môi trường xử lý dứt điểm các vi phạm này.
Kết luận nội dung chất vấn và giải trình trả lời chất vấn của Sở NNPTNT, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ các công trình lấn chiếm, vi phạm để xử lý dứt điểm. Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Đối với các công trình thủy lợi xuống cấp trên địa bàn tỉnh, ngành NNPTNT cùng với các địa phương và cơ quan liên quan nghiên cứu, lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, nhất là vùng núi, đồng bào dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.