Từ năm 2017, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm TE-FOOD. Đây là một giải pháp công nghệ chuỗi khối (Blockchain) tiên tiến, cho phép người tiêu dùng theo dõi toàn bộ hành trình của sản phẩm từ trang trại đến điểm bán lẻ.
Thông qua việc quét mã QR trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng có thể truy cập thông tin về quy trình sản xuất, xuất xứ và các tiêu chuẩn an toàn được áp dụng. Điều này không chỉ bảo đảm sự minh bạch, mà còn giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm của VISSAN. Hệ thống này giúp VISSAN giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất, vận chuyển đến tay người tiêu dùng; đồng thời, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Trong giai đoạn đầu tiên của quy trình này, VISSAN kiểm soát rất chặt chẽ từ việc chọn lọc nguồn nguyên liệu tại các trang trại đạt chuẩn. Tại trang trại chăn nuôi, hệ thống TE-FOOD cho phép theo dõi toàn bộ quá trình chăn nuôi; từ việc xác định giống vật nuôi, quy trình chăm sóc, nguồn thức ăn đến tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Mỗi con heo ở trang trại đều được gắn mã QR riêng biệt, lưu trữ toàn bộ thông tin về lý lịch, tình trạng sức khỏe và quá trình tiêm chủng. Điều này giúp bảo đảm rằng chỉ những sản phẩm có chất lượng tốt nhất mới được đưa vào chuỗi cung ứng của VISSAN.
Khi vật nuôi được vận chuyển từ trang trại đến cơ sở giết mổ, TE-FOOD sẽ theo dõi toàn bộ quá trình này. Mỗi chuyến xe vận chuyển đều có thông tin chi tiết về thời gian, lộ trình và điều kiện vận chuyển, được ghi nhận trong hệ thống blockchain, giúp Vissan kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn, tránh tình trạng gian lận hoặc vi phạm quy trình an toàn.
Tại cơ sở giết mổ của VISSAN, quy trình giết mổ cũng được quản lý nghiêm ngặt. Hệ thống TE-FOOD sẽ ghi nhận toàn bộ quá trình từ khi vật nuôi được tiếp nhận đến khi hoàn thành việc giết mổ. Các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm như ISO 22000:2018 và HACCP được tích hợp vào quy trình này để bảo đảm rằng không chỉ quá trình giết mổ, mà cả quá trình lưu trữ và vận chuyển tiếp theo đều tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Sau khi quá trình giết mổ hoàn tất, sản phẩm được vận chuyển từ cơ sở giết mổ đến các điểm bán lẻ trên toàn quốc, bao gồm các hệ thống siêu thị và cửa hàng trực tiếp của VISSAN. Hệ thống TE-FOOD tiếp tục giám sát chặt chẽ trong giai đoạn này.
Tại các nhà máy chế biến của VISSAN, sản phẩm thịt tươi sống được phân loại, đóng gói và bảo quản trong môi trường tiêu chuẩn, được giám sát qua các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm. Mã QR trên mỗi sản phẩm sẽ ghi nhận toàn bộ quá trình này, từ khâu đóng gói đến khi được vận chuyển ra thị trường. Các tiêu chuẩn bảo quản như ISO 9001:2015 luôn được tuân thủ nghiêm để giữ cho sản phẩm trong tình trạng tốt nhất.
Sản phẩm sau khi đóng gói được vận chuyển đến các hệ thống siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc các cửa hàng Vissan. Quá trình vận chuyển cũng được TE-FOOD theo dõi, bảo đảm tất cả sản phẩm đều được bảo quản đúng cách từ lúc rời nhà máy đến khi tới tay người tiêu dùng.
Tại các điểm bán lẻ, người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng TE-FOOD để quét mã QR trên sản phẩm. Toàn bộ thông tin về nguồn gốc, quy trình chăn nuôi, giết mổ và vận chuyển sẽ được hiển thị minh bạch và rõ ràng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vissan Nguyễn Phúc Khoa cho biết: Việc áp dụng TE-FOOD là yếu tố quyết định giúp VISSAN tạo dựng niềm tin vững chắc từ người tiêu dùng về nguồn gốc rõ ràng và chất lượng của sản phẩm; đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu thông qua cam kết chất lượng. Sau khi áp dụng TE-FOOD, VISSAN không chỉ nâng cao tính minh bạch mà còn giúp giảm thiểu các rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm. Tỷ lệ sản phẩm không đạt chuẩn tại các điểm bán lẻ của Vissan đã giảm đáng kể, góp phần khẳng định sự thành công của hệ thống này trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tuân thủ quy định pháp luật.
Không phủ nhận những lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại trong quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, tại Hội thảo tập huấn về tăng cường an toàn thực phẩm, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp nhấn mạnh: "Trong thời đại số hóa, minh bạch thông tin sản phẩm là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đảm bảo chất lượng đầu vào và thể hiện sự tuân thủ qua các chứng nhận như ISO 22000:2018". Đây là tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) dựa trên phương pháp HACCP, giúp giảm thiểu rủi ro và xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Ngoài ISO 22000:2018, các chứng nhận khác như Halal, Global GAP, hay phúc lợi động vật cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào những thị trường xuất khẩu khắt khe. Tuy nhiên, bà Hạnh lưu ý rằng một số doanh nghiệp sau khi đạt chứng nhận lại không gia hạn khi hết hiệu lực, chủ yếu do chi phí cao. Việc duy trì bền vững các chứng nhận này cần được chú trọng để bảo vệ niềm tin của khách hàng và tăng giá trị và chất lượng sản phẩm.
Cũng theo bà Hạnh, các công cụ như blockchain và mã QR đang được áp dụng rộng rãi, cho phép khách hàng dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc và quy trình sản xuất. Điều này không chỉ tạo sự minh bạch mà còn giúp quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.
Công nghệ Blockchain với kỹ thuật tiên tiến sở hữu nhiều đặc điểm nổi bật: không thể làm giả hoặc phá hủy chuỗi dữ liệu; đảm bảo tính minh bạch; loại bỏ sự phụ thuộc vào các đơn vị trung gian; vận hành phi tập trung và mang lại độ tin cậy cao. Thực tế, nhiều nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới đã khẳng định rằng công nghệ Blockchain là lựa chọn hàng đầu cho các giải pháp xác thực, mang đến một hệ thống an toàn, thông minh và đáp ứng hiệu quả các yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Khi xảy ra rủi ro về sức khỏe ở bất kỳ giai đoạn nào trong chuỗi cung ứng, cần có một hệ thống truy xuất ngược để xác định sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các quy định ngành, công nghệ Blockchain, với tính năng đột phá và cấu trúc phi tập trung, có thể hỗ trợ tối ưu trong việc này.
Bên cạnh chia sẻ các nỗ lực của doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bà Hạ Thúy Hạnh cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà báo trong việc lan tỏa câu chuyện về sự nỗ lực của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP, đặc biệt trong bối cảnh nông sản Việt Nam đang mở rộng xuất khẩu.
"Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo ATTP là chìa khóa để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế. Tôi hy vọng rằng câu chuyện về sự nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ được lan tỏa, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp an toàn và bền vững", bà Hạnh chia sẻ.
CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN