Tại Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-HĐND của UBND thành phố Hà Nội về kết quả giám sát, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội, vướng mắc nhất hiện nay của các dự án đầu tư công được nêu ở công tác giải phóng mặt bằng.
Trong đó, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận. Cùng đó, khó khăn phát sinh sau khi triển khai áp dụng Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, như chưa có quy định chuyển tiếp về các công việc đã thực hiện, nên phải thực hiện lại các bước trước phê duyệt phương án, thu hồi đất (thông báo thu hồi đất còn hoặc hết thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm ban hành; điều tra, khảo sát, kiểm đếm; niêm yết dự thảo phương án; Quyết định kiểm đếm bắt buộc...).
Sự khác biệt giữa chính sách bồi thường cho các hộ dân đã nhận tiền bồi thường và các hộ dân vẫn đang chờ bồi thường do những thay đổi trong Luật Đất đai, rất dễ dẫn đến sự so sánh và đánh giá không công bằng tạo ra tâm lý không đồng thuận.
Khi triển khai Luật Đất đai năm 2024 có sự thay đổi về giá thu tiền sử dụng đất, hạn mức giao đất đối với trường hợp tái định cư và bổ sung các chính sách hỗ trợ có lợi hơn cho người thực hiện thu hồi đất sau thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, dẫn đến tình trạng 1 dự án 2 chính sách, theo đó có sự so sánh đánh giá giữa các hộ dân (đã bồi thường và chưa bồi thường), dẫn tới không có sự đồng thuận của các hộ dân. Do đó, thời gian tới, công tác giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn, dự kiến kéo dài thời gian và một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án.
Đến thời điểm ngày 15/11/2024, có 174 dự án (101 dự án cấp Thành phố; 73 dự án NSTP hỗ trợ mục tiêu) được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 báo cáo có khó khăn, vướng mắc. Dự kiến có 59 dự án có vướng mắc khó khăn GPMB không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 được giao (gồm: 42 dự án cấp Thành phố và 17 dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện).
Trên thực tế, vấn đề mặt bằng chưa "sạch" thường khiến quá trình thi công thầu xây lắp kéo dài. Từ đó, không ít nhà thầu bị đẩy vào tình cảnh kiệt quệ, thua lỗ về mặt tài chính.
Chia sẻ với phóng viên, một nhà thầu trên địa bàn thành phố cho biết có những gói thầu đã ký hợp đồng đến 3 năm, nhưng mãi vẫn chưa có mặt bằng để thực hiện. Trong khi đó, đơn giá vật liệu từ nhà cung cấp thay đổi theo chiều hướng tăng chóng mặt, gấp đôi, thậm chí hơn. Đồng nghĩa, ở các gói xây lắp giá trị nhỏ hơn 20 tỷ, thực hiện hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định, nhà thầu lỗ rõ ràng ngay cả khi chưa thi công.
Hoặc tại một dự án do phóng viên khảo sát, do đã có 3/4 mặt bằng, nhà thầu vừa thực hiện vừa đợi giải phóng tiếp. Tuy nhiên, do mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật làm kè nên nhà thầu đành triển khai sau dù giá đá hộc tại thời điểm bàn giao đến nay đã tăng gấp hai lần. Cộng với những chi phí phát sinh khác, đại diện nhà thầu cho biết đang lỗ gần 2 tỷ đồng dù thời điểm hoàn thành còn "mịt mù".
"Phải nói thật rằng chúng tôi phải làm để giữ việc, giữ nhân công. Bởi nếu xin hủy hợp đồng để tránh lỗ thì lợi bất cập hại. Thứ nhất, công ty không có việc, người lao động sẽ chán nản và nghỉ việc tìm nơi mới. Thứ hai, uy tín nhà thầu sẽ giảm mạnh trong mắt các chủ đầu tư dẫn đến mất đi ưu thế cạnh tranh ở những gói thầu khác", một chủ doanh nghiệp nói.
Có thể thấy, trong các trường hợp này, với loại hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định thì gánh nặng tài chính đối với nhà thầu là rất lớn. Trong khi đó, dự báo của UBND thành phố đưa ra tín hiệu bất cập trong GPMB càng khiến các nhà thầu lo âu. Nếu không kịp thời tháo gỡ những nút thắt này, chắc chắn trong thời gian tới, nhiều nhà thầu xây lắp sẽ phải tìm cách rút lui khỏi thị trường xây dựng.