Ông Đinh Văn Thành, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết, kết quả triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (giai đoạn 2021 – 2025) trên địa bàn huyện Tuy Phong do chính tay những nông dân làm ra có nhiều sản phẩm độc đáo, được người tiêu dùng, du khách ưa chuộng như nước mắm cá cơm, chả quế, táo, nho tươi…
Nông dân huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận chăm sóc vườn táo. Ảnh: Bùi Phụ.
Theo ông Đinh Văn Thành, tính đến thời điểm hiện tại, hội đồng OCOP cấp huyện Tuy Phong đã đánh giá, phân hạng và công nhận 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 1 sản phẩm dự kiến đạt 4 sao cấp tỉnh).
Cụ thể là sản phẩm Táo của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú, sản phẩm Nho Hồng nhật của chủ hộ kinh doanh vườn nho Lê My, xã Phước Thể, sản phẩm Rượu vang Thanh long Pitayana 14% Vol và Rượu vang Thanh long Pitayana 15% Vol của Công ty TNHH sản xuất thương mại Trần Khang Phong.
Đáng chú ý có sản phẩm nước mắm cá cơm thượng hạng nguyên bản thuần khiết 32 độ đạm – Thương hiệu Nước mắm Hoàng Gia (Công ty TNHH Vạn Xuân FMCG INVESTMENT – Chi nhánh Bình Thuận đóng tại xã Bình Thạnh. Sản phẩm này dự kiến đạt 4 sao cấp tỉnh (huyện Tuy Phong đã chuyển hồ sơ sản phẩm, trình UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị đánh giá, phân hạng theo quy định).
Dự kiến trong tháng 12 này, hội đồng OCOP huyện sẽ phân hạng thêm 6 sản phẩm nữa là sản phẩm Táo xanh sấy dẻo của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú, sản phẩm Chả quế của cơ sở sản xuất Yến (xã Bình Thạnh). Bên cạnh đó là 4 sản phẩm dưa lưới (quả vàng và quả xanh) của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Hòa Minh và HTX Thiện An.
Các sản phẩm này đã được UBDN huyện Tuy Phong cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao, được dán tem OCOP và hỗ trợ tiền thưởng là 8 triệu đồng cho 1 sản phẩm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết, thời gian qua, các sản phẩm và chủ thể như Táo xanh, Chả quế, Rượu vang thanh long, nước mắm cá cơm… được các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận chọn đi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Những sản này được người tiêu dùng, khách hàng ưa chuộng nên đầu ra của sản phẩm ngày càng rộng hơn…
"Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước biết sâu hơn về các sản phẩm OCOP của huyện Tuy Phong và yên tâm sử dụng hơn…:, ông Nguyễn Trung Trực chia sẻ.
Theo UBND huyện Tuy Phong, thời gian qua các cơ quan chức năng đã hoàn thiện phần mềm số hóa quy trình triển khai chương trình OCOP. Phần mềm này giúp việc tiếp nhận hồ sơ sản phẩm, Tổ giúp việc đánh giá hồ sơ ban đầu và hội đồng thẩm định OCOP cấp huyện đánh giá và chấm điểm trên phần mềm này.
Để người dân sử dụng phần mềm thuần thạo, các cơ quan chức năng cấp tỉnh và huyện, đã mở nhiều khoá tập huấn để các chủ thể nắm vững. Nhờ đó, việc quả lý chương trình OCOP cấp huyện ngày càng thuận lợi hơn.
UBND huyện Tuy Phong giao trách nhiệm cụ thể cho các xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, giao các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP được công nhận, nhất là việc sử dụng tem, nhãn mác, bao bì, chất lượng sản phẩm.
Nhờ những nội dung thiết thực trên, các chủ thể, các đơn vị HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện Tuy Phong đã hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá xúc tiến thương mại… qua đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, việc công nhận sản phẩm OCOP 3 sao được thực hiện dựa trên bộ tiêu chí theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Và tính đến nay, toàn huyện Tuy Phong đã có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, gồm Gạo Sông Lòng Sông của Cơ sở xay xát lương thực Mỹ Phố - xã Phú Lạc (đang kiểm tra, đánh giá, phân hạng lại vì đã hết hiệu lực công nhận), sản phẩm Táo Phong Phú, Nho Hồng Nhật - Phước Thể, 2 sản phẩm Rượu vang thanh long – xã Chí Công và sản phẩm Nước mắm cá cơm thượng hạng nguyên bản thuần khiết 32 độ đạm – Thương hiệu Nước mắm Hoàng gia.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, Hội đồng OCOP cấp huyện sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng đối với 6 sản phẩm là Táo xanh sấy dẻo của HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Phong Phú và Chả quế, chả lụa của hộ kinh doanh Huỳnh Thiện Cẩm Hồng, xã Bình Thạnh và 4 sản phẩm dưa lưới (quả vàng và quả xanh) của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Hòa Minh và HTX Thiện An.
Như vậy, tính đến cuối năm 2024, toàn huyện Tuy Phong có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh).
Theo UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận), được sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các sở, ngành tỉnh, chương trình OCOP ở huyện thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất kinh tế thị trường.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Chương trình OCOP được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Vùng biển huyện Tuy Phong
Huyện Tuy Phong nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Thuận, có diện tích tự nhiên 79.385,54 ha, số đơn vị hành chính gồm có 2 thị trấn và 9 xã, có đường ranh giới giáp với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng.
Trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Liên Hương, cách thành phố Phan Thiết 90km về phía Bắc, có đường Quốc lộ 1A đi qua dài 43km, đường sắt Bắc – Nam đi qua dài 38km.
Đặc biệt vùng ven biển của huyện Tuy Phong có mối quan hệ chặt chẽ với vùng ven biển của huyện Bắc Bình, thành phố Phan Thiết, và vùng ven biển của tỉnh Ninh Thuận. Do đó, rất thuận lợi trong mối liên kết và hợp tác phát triển các ngành kinh tế biển.
Huyện Tuy Phong có chiều dài bờ biển 50km, có biển Cổ Thạch, bãi đá 7 màu và có 2 cửa sông đổ ra biển, thuận lợi cho xây dựng cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảnh quan thiên nhiên đa dạng, bao gồm : đồi núi, đồng bằng và vùng ven biển, thuận lợi cho xây dựng các khu du lịch sinh thái ven biển gắn với du lịch sinh thái vùng đồi núi.
Tuy Phong rất thuận tiện cho phát triển toàn diện các ngành sản xuất nông, lâm,ngư, diêm nghiệp – công nghiệp – thương mại dịch vụ và du lịch.
Biển Tuy Phong có nguồn hải sản phong phú, đa dạng, trữ lượng lớn cũng là hứa hẹn một tiềm năng khai thác thủy sản. Bên cạnh đó là sự hình thành của các ngành công nghiệp nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản.