Dân Việt

Chuyện chưa kể về "vựa đào" lọt thỏm phía Tây Hà Nội trong giá rét chờ.... Tết

Nhật Minh 12/12/2024 14:33 GMT+7
Hà Nội đang lạnh nhất từ đầu đông, nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa phùn khiến cho công việc của người trồng đào ở phía Tây Hà Nội vất vả hơn để chuẩn bị phục vụ người dân chơi Tết Nguyên đán.

Nói đến nghề trồng đào ở Hà Nội, bên cạnh vựa đào nổi tiếng ở Nhật Tân (quận Tây Hồ) phải kể đến những vườn đào rộng lớn ở khu vực phía Tây Hà Nội như làng đào La Cả (ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm), làng đào Dương Nội (Hà Đông).

Một điều đặc biệt ở những làng đào này là toàn bộ diện tích trồng đào đều nằm lọt thỏm trong những khu đô thị rộng lớn, sầm uất. Trong những ngày tiết trời Hà Nội rét mướt nhất từ đầu đông, bầu trời u ám kèm theo mưa nhỏ khiến những người làm việc ngoài vườn đào chân tay tê cứng vì rét.

Người dân mặc áo mưa tránh rét, chăm sóc đào ở "vựa đào" phía Tây Hà Nội - Ảnh 1.

Người dân mặc áo mưa tránh rét khi tuốt lá đào.

Trên cánh đồng đào thuộc địa phận phường Dương Nội (Hà Đông), người dân trồng đào đang tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng trước khi đưa đào ra thị trường phục vụ người dân chơi Tết Nguyên đán.

Sở hữu vườn đào cả nghìn cây, ông Chân (Dương Nội, Hà Đông) cùng với 3 người đàn ông khác được ông thuê đang cặm cụi vận chuyển, đánh đào từ vườn lên chậu sau đó vận chuyển ra vỉa hè một tuyến đường nằm trong khu đô thị Dương Nội để chuẩn bị bày bán.

"Gia đình tôi không chỉ trồng đào ở đây mà còn trồng cả dưới Hoài Đức, khu vườn này thường được dùng để bày bán đào mỗi khi Tết đến. Trong những ngày tới, toàn bộ số đào trong vườn ở đây sẽ được người làm thuê đánh lên bồn, đồng thời vận chuyển hàng trăm cây đào lớn từ Hoài Đức lên bán", ông Chân cho biết.

Người dân mặc áo mưa tránh rét, chăm sóc đào ở "vựa đào" phía Tây Hà Nội - Ảnh 2.

Đào thế được đánh lên bồn, chuẩn bị bán Tết.

Người dân mặc áo mưa tránh rét, chăm sóc đào ở "vựa đào" phía Tây Hà Nội - Ảnh 3.

Người trồng đào chuẩn bị lều trại tiện cho việc sinh hoạt từ nay tới Tết Nguyên đán.

Theo ông Chân, đào Tết năm nay sẽ không có nhiều như những năm trước vì một phần đã chết thối do ảnh hưởng của mưa lũ từ cơn bão số 3. "Ở khu vực phía Tây này không bị ngập úng, tuy nhiên, do gió giật mạnh làm đổ gãy, đứt dễ, thêm vào đó là lượng nước thừa tồn tại trong vườn quá nhiều khiến đào bị thối dễ và chết. Nguyên gia đình nhà tôi, số đào chết do cơn bão số 3 chiến mất 1/3", ông Chân nói.

Những cây đào lớn, nhiều năm tuổi sống sót sau cơn bão số 3 lịch sử đến nay đang phát triển rất tốt. Thời tiết năm nay lạnh muộn khiến cho việc chăm sóc đào khó khăn hơn, vì cây đào chỉ đẹp khi gặp thời tiết thuận lợi.

Những gốc đào lớn của gia đình ông Chân được tuốt lá từ nhiều ngày trước, đánh lên chậu và đang trưng bày ở vỉa hè. Hiện tại, nụ đang đang lớn từng ngày, một số công ty, trụ sở nhà nước đã tới đặt cọc thuê, hoặc mua đào,

"Công việc bây giờ chỉ còn những công đoạn cuối cùng, chăm sóc làm, bảo vệ đào để khi cận Tết nguyên đán đào bung nở. Lúc đó những người mua, hoặc thuê đào chỉ việc vận chuyển về chơi Tết", ông Chân cho biết.

Người dân mặc áo mưa tránh rét, chăm sóc đào ở "vựa đào" phía Tây Hà Nội - Ảnh 4.

Người trồng đào cành vừa tuốt lá vừa dùng dây thép bó để tạo dáng cho đào.

Ở phía xa hơn, chị Trần Phượng cùng chồng đang cặm cụi vặt lá đào cành. Thời tiết 2 hôm nay lạnh, nhiệt độ xuống thấp lại kèm theo mưa nhỏ khiến công việc của hai vợ chồng vất vả hơn.

"Đây là đợt lạnh nhất từ đầu đông, vườn đào nhà tôi nằm giữa khu đô thị nên hút gió, để đỡ lạnh, nhiều người mặc thêm áo mưa. Ngoài việc vặt lá đào, chúng tôi còn phải dùng dây thép để bó, tạo hình cho cành đào, công việc này sẽ kết thúc trong tuần này", chị Phượng cho biết.

Giống như những vườn đào khác, vườn đào nhà chị Phượng nhiều cây đào cành cũng chết khô, nguyên nhân là do ảnh hưởng của bão số 3. Chị Phượng cho biết, số đào cành còn sống và cho thu hoạch năm nay không còn nhiều.

"Ban đầu tưởng rằng đào ở trên cao không ngập úng sẽ an toàn, nhưng sau một thời gian thấy đào héo rồi rụng lá. Chúng tôi mới nhận ra đào đã chết. Nhổ những cây đào này lên mới thấy dễ của chúng đã thối", chị Phượng buồn rầu kể lại.

Người dân mặc áo mưa tránh rét, chăm sóc đào ở "vựa đào" phía Tây Hà Nội - Ảnh 5.

Cây đào lớn, nhiều năm tuổi có giá khoảng 7 triệu đồng.

Theo ông Chân, giá đào năm nay chắc chắn sẽ tăng hơn so với những năm trước do nguồn cung phần nào bị khan hiếm. Một gốc đào to, có tuổi đời nhiều năm sẽ có giá từ 5 đến 7 triệu đồng. Đặc biệt với những cây đào "khổng lồ", loại chỉ cho thuê giá còn cao hơn nữa.

Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Âu Cơ, chợ hoa Quảng Bá, trục đường Tố Hữu (Hà Đông) các hộ kinh doanh đào, quất Tết đang dậm dịch vận chuyển cây từ nhiều nơi về đây, chuẩn bị bày bán.