Theo chuyên gia năng suất, ngành may mặc và cơ khí khi áp dụng bảy công cụ kiểm soát chất lượng, cần có những phương án chi tiết để đạt được hiệu quả cao nhất.
Theo các chuyên gia của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các công cụ nâng cao năng suất, với ngành cơ khí, khi lập kế hoạch sản xuất tại phân xưởng, nhất là với phân xưởng sơn tại công ty chưa sát, nên thường xuyên thiếu hàng cấp cho xưởng lắp ráp. Vấn đề này ảnh hưởng đến việc sản xuất liên tục của công ty, gây lãng phí do chờ đợi chi tiết của phân xưởng lắp ráp.
Áp dụng bảy công cụ kiểm soát chất lượng sẽ giúp ngành cơ khí nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Trong quá trình phân tích, nhóm đã tập trung vào các chi tiết có lượng hàng thiếu cao và sử dụng biểu đồ nhân quả để xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Sau thời gian áp dụng, các chuyên gia đã thu được kết quả như sau: Biểu đồ kiểm soát cho thấy, giá trị sau cải tiến dao động hẹp hơn trước cải tiến; không có giá trị bất thường nằm ngoài giới hạn kiểm soát hay có xu hướng tăng giảm bất thường; giá trị trung bình sau cải tiến nhỏ hơn trước cải tiến (trước là 90 chi tiết/ ngày lắp ráp, sau là 24 chi tiết/ngày lắp ráp) chứng tỏ số lượng chi tiết bị thiếu cho một ngày lắp ráp nhỏ hơn trước cải tiến.
Đánh giá tỷ lệ thiếu hàng theo từng chi tiết tại một doanh nghiệp cơ khí xe máy, nhóm chuyên gia đã nhận thấy những chi tiết hàng thiếu với tỷ lệ lớn (tay xách sau xe đạp, ghi đông xe đạp, tay xách xe Win, ghi đông xe Win, bô xe Win, tai hộp xích xe đạp) sau cải tiến đã giảm. Với việc sử dụng các biểu mẫu thu thập dữ liệu và các biểu đồ phân tích như biểu đồ kiểm soát và biểu đồ phân bố phân tích năng lực quá trình, công ty có thể nhận diện được vấn đề ngay, từ đó, có thể xác định được nguyên nhân gốc rễ và đưa ra giải pháp kịp thời. Điều này rất quan trọng vì xét toàn bộ quá trình, việc xác định được vấn đề đúng đóng góp 90% sự thành công của dự án.
Trong hàng trăm công cụ quản lý và cải tiến chất lượng, bảy công cụ kiểm soát chất lượng là các công cụ truyền thống, được sử dụng nhiều nhất.
Đối với các công ty ngành may, nhóm chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm với công ty gia công cho khách hàng nước ngoài, yêu cầu kiểm soát chất lượng được thực hiện rất nghiêm ngặt, chỉ một lỗi nhỏ sẽ khiến công ty chịu phạt về hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, gián tiếp là uy tín và lâu dài là sự tăng trưởng của công ty. Nhóm dự án đã bắt tay triển khai dự án áp dụng bảy công cụ kiểm soát chất lượng. Sau khi thu thập dữ liệu bằng biểu mẫu được nhóm xây dựng, kết quả thống kê về tỉ lệ lỗi của các đơn hàng cho thấy, tỉ lệ lỗi về đứt chỉ, bỏ mũi, không lại mũi chiếm đến trên 20%, xếp thứ hai trong các lỗi chủ yếu.
Tuy nhiên, để phù hợp nguồn lực đem lại hiệu quả cao, nhóm đã sử dụng biểu đồ Pareto sau khi thu thập dữ liệu lựa chọn lỗi trọng yếu gây ra lượng lỗi lớn cho sản phẩm để công ty tập trung giải quyết.
Để phân tích vấn đề, nhóm đã tiến hành thảo luận và sử dụng biểu đồ xương cá phân tích nguyên nhân dẫn đến việc tỉ lệ lỗi đứt chỉ, bỏ mũi và không lại mũi lớn. Các nguyên nhân được xác định là nguyên nhân chính trong biểu đồ xương cá. Việc thảo luận và xác định nguyên nhân là giai đoạn rất quan trọng của dự án. Trong suốt quá trình này, nhóm dự án luôn áp dụng phương pháp "5 Why" và phát huy trí tuệ tập thể để xác định đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Việc tìm ra được nguyên nhân gốc rễ sẽ góp phần tìm ra được các giải pháp cụ thể để cải tiến.
Sau một thời gian triển khai các giải pháp cải tiến, nhóm dự án sử dụng phiếu kiểm tra để thu thập dữ liệu về các số lượng lỗi của sản phẩm và sử dụng biểu đồ kiểm soát để phân tích các lỗi xảy ra. Nhóm dự án tiếp tục thu thập dữ liệu, phân tích, so sánh kết quả trước và sau khi thực hiện giải pháp để có thể đánh giá xem giải pháp cải tiến đưa ra đã hợp lý chưa. Từ đây, các chuyên gia đã chỉ ra cho lãnh đạo của doanh nghiệp các phương thức tiếp theo trong vấn đề tăng năng suất.
Trong hàng trăm công cụ quản lý và cải tiến chất lượng, bảy công cụ kiểm soát chất lượng là các công cụ truyền thống, được sử dụng nhiều nhất. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, liên hiệp các nhà khoa học và kỹ sư Nhật Bản (Japanese Union of Seientionts and Engineers) đã lựa chọn chúng để phổ biến trong quản lý chất lượng cho mọi tầng lớp và doanh nghiệp nước Nhật. Sau đó, bảy công cụ này đã được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, giúp các doanh nghiệp sản xuất, quản lý sản xuất những mặt hàng đảm bảo chất lượng; và được gọi bằng tiếng Anh là Seven Tools. Đến nay, bảng công cụ vẫn được dùng phổ biến để quản lý chất lượng, và có thể cho ngành quản lý khác.