Dân Việt

Người phụ nữ mang nét vẽ chạm đến trái tim

Đức Minh - Trọng Tuấn 16/12/2024 06:08 GMT+7
Đến với Bữa Cơm Yêu Thương, điểm đầu tiên chạm vào cảm xúc của mọi người chính là những nét vẽ có hồn trên những lớp tôn. Tác giả của "bức tranh 0 đồng" ấy là chị Diệu Trang – Cộng tác viên đã gắn bó với các chương trình từ thiện của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt hơn một thập kỷ qua.

Câu chuyện về "Bức tranh 0 đồng"

Bữa Cơm Yêu Thương do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, Nha khoa Sài Gòn H.N, Công ty TNHH DVTM Vận tải & Xây dựng Minh Phương, Phiên Chợ Trái Tim phối hợp tổ chức đã bước sang tuần thứ 86.

Nằm ở ngõ 9A Phạm Văn Bạch (Yên Hoà, Cầu Giấy, TP. Hà Nội), trải qua thời gian, Bữa Cơm Yêu Thương ngày càng nhận được nhiều sự tin yêu của hàng trăm tình nguyện viên, hàng nghìn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cả những người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn.

CTV Diệu Trang của Phiên Chợ Trái Tim: "Tôi tin vẽ có thể chữa lành!" - Ảnh 1.

Chị Diệu Trang (hàng dưới, ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên Phiên Chợ Trái Tim chụp ảnh lưu niệm với Á hậu Hoàn cầu Quốc tế 2024 Đỗ Hà Trang (hàng đứng, thứ 4 từ trái qua) tại Bữa Cơm Yêu Thương số 80. Ảnh: Trọng Tuấn

Sáng thứ 7 hàng tuần, mọi người lại cùng tề tựu tại "điểm hẹn trái tim" để được chia sẻ yêu thương. Nơi đó, những ánh mắt, nụ cười đã tìm thấy nhau, cùng ý chí mang đến cho các hoàn cảnh khó khăn những điều tốt đẹp.

Bên cạnh những suất ăn nóng hổi, đầy đủ chất dinh dưỡng, các thành viên của BTC Phiên Chợ Trái Tim còn dành sự quan tâm đến các cộng tác viên 0 đồng, các nhà hảo tâm cùng với những người có số phận éo le trong cuộc sống tìm được những giây phút thư giãn, ý nghĩa khi tới Phiên Chợ Trái Tim.

Cách đây hơn một tháng, để kỷ niệm tuần thứ 80 của Bữa Cơm Yêu Thương, chị Phạm Thị Cẩm Nhung (còn gọi là Diệu Trang ) – Cộng tác viên (CTV) đã gắn bó với các chương trình từ thiện của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt bắt tay vào việc “thổi hồn” cho không gian nhân ái của chương trình bằng các nét vẽ.

Đều đặn các ngày trong tuần, khi mọi người tất bật chuẩn bị sơ chế thức ăn cho Bữa Cơm Yêu Thương ở bên trong, bên ngoài, chị Diệu Trang cũng tỉ mỉ trong từng nét vẽ mang theo đầy tâm huyết:

"Từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành một hoạ sĩ. Tôi có thể vẽ ở bất kỳ đâu và chẳng ngại ngần gì. Nhưng điều kiện gia đình thời điểm ấy chưa cho phép mình theo đuổi đến cùng niềm đam mê ấy. Tôi học Đại học Kinh tế Quốc dân, lập gia đình, sinh con, rồi cuộc sống mưu sinh cứ "cuốn" mình đi. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào tôi chưa bao giờ ngừng vẽ.

Tôi biết làm nhiều việc, kinh doanh, tư vấn bảo hiểm… nếu cần cũng có thể làm nhà phong thuỷ, nhà phân tích tử vi, và cả đầu bếp, những thứ tưởng như chẳng liên quan gì tới nhau.

Có người hỏi tôi cuối cùng nghề của chị là nghề gì? Tôi nói nghề của tôi là nghề… ngồi (cười). Tôi có thể ngồi cả ngày vẽ tranh, quên ăn quên uống. Trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống, tôi chỉ ngồi ở nhà vẽ. Với tôi, vẽ có thể chữa lành", mắt chị Diệu Trang sáng lên khi chia sẻ với người viết về niềm đam mê hội hoạ.

CTV Diệu Trang của Phiên Chợ Trái Tim: "Tôi tin vẽ có thể chữa lành!" - Ảnh 2.
CTV Diệu Trang của Phiên Chợ Trái Tim: "Tôi tin vẽ có thể chữa lành!" - Ảnh 3.
CTV Diệu Trang của Phiên Chợ Trái Tim: "Tôi tin vẽ có thể chữa lành!" - Ảnh 4.
CTV Diệu Trang của Phiên Chợ Trái Tim: "Tôi tin vẽ có thể chữa lành!" - Ảnh 5.

Chị Diệu Trang đầy đam mê trong từng nét vẽ. Ảnh: Đức Minh

Có những hôm bị ốm phải vào viện, chị Diệu Trang vẫn không quên nhắc "đồng đội" về chuyện bút, màu, sơn… để khi bình phục là lập tức vào việc ngay, hoàn thành "bức tranh 0 đồng".

Từng chút, từng chút một, tác phẩm hội họa đến từ trái tim của chị Trang đã hoàn thành trên những lớp tôn mà chị "bật mí" là vẽ khó hơn rất nhiều khi vẽ trên giấy.

"Bức tranh 0 đồng" phác hoạ bắt đầu từ góc Chợ Quê thân thương tới Phiên Chợ Trái Tim với những bông hoa khoe sắc, ngôi nhà ấm áp với cành đào đón Tết, chiếc xe đạp chở đầy hoa gắn với ký ức thuở học trò… Tâm điểm là hình ảnh lá cờ Tổ quốc thiêng liêng đặt bên cạnh hình ảnh một em bé đang thổi những cánh hoa bồ công anh kết hình trái tim gửi gắm ước mơ, phép màu giúp những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sớm bình phục, được về đoàn tụ với người thân bên mâm cơm gia đình ngày Tết.

Sẻ chia để trân quý những gì mình đang có

Mải miết với những ý tưởng làm việc thiện, chị luôn tìm cách để giúp những hoàn cảnh khó khăn vơi bớt khó khăn hơn. Vì vậy, chị luôn sẵn sàng vào vai người vận chuyển, tự mình chuyển những món hàng nông sản tại Chợ Quê tới khách hàng để góp tiền vào quỹ Bữa Cơm Yêu Thương. Một số người bạn thuở học trò của chị cũng trở nên quen thuộc với các gian hàng Chợ Quê, dần trở thành những cộng tác viên thân tín của chương trình.

img
img
img
img
img
img
img

Chị Diệu Trang với nụ cười "không tuổi" tại Phiên Chợ Trái Tim. Ảnh: Trọng Tuấn - Đức Minh

Những việc làm góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái của Bữa Cơm Yêu Thương, chị Diệu Trang đều cố gắng làm bằng được. Như việc vẽ hoa văn trên áo dài, vẽ tranh dành tiền làm từ thiện; hay đi trên phố bất ngờ thấy một gánh hàng rong bày biện bắt mắt, hấp dẫn, chị Trang cũng lập tức đưa ngay vào ý tưởng sẽ triển khai tại Chợ Quê.

"Tôi quan niệm khi làm việc thiện thì cũng nên "tranh thủ" khi đủ nhân duyên. Mỗi khi có cơ hội đóng góp được gì cho Bữa Cơm Yêu Thương nói riêng và các chương trình từ thiện nói chung là tôi đều nhiệt tình tham gia.

Cuộc sống còn quá nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh cần được giúp đỡ, chia sẻ. Khi chúng ta gặp họ, thấu cảm với họ, chúng ta mới hiểu rõ cuộc sống này đáng quý biết nhường nào. Và những khó khăn tưởng như là kinh khủng lắm đối với mình hoá ra chẳng thấm vào đâu so với những gì họ đã, đang phải đối mặt, trải qua", chị Trang bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ về cộng tác viên nhiệt thành, nhà báo Tống Hương - Phó Trưởng ban Bạn đọc Báo NTNN/Dân Việt cho biết: “Hơn một thập kỷ đồng hành cùng các hoạt động thiện nguyện của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, chị Trang không chỉ góp sức bằng công việc cụ thể mà còn bằng chính tài năng hội họa của mình. Câu chuyện của chị Diệu Trang là minh chứng rõ ràng rằng, tất cả những gì cần có là một trái tim biết yêu thương và đôi tay sẵn sàng hành động vì người khác”.