Sáng 14/12, tại Hội trường Bảo tàng Phòng không - Không quân (Hà Nội), Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Đức Soát đã chính thức ra mắt cuốn hồi ức mang tên "Bầu trời - Trường đại học của tôi" (NXB Trẻ). Đây không phải là lần đầu tiên những câu chuyện, trải lòng của tướng phi công Nguyễn Đức Soát được hé lộ, bởi cách đây 4 năm cũng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã quyết định xuất bản cuốn sách "Nhật ký phi công tiêm kích".
Nếu như cuốn sách trước đó là những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của Nguyễn Đức Soát - một học viên chập chững bay trên không trung, một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ thì cuốn hồi ức lần này lại đi sâu vào câu chuyện "đời bay" của một phi công chiến đấu huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam - người từng bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27. Ông còn là vị tướng duy nhất, khi đã ở cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu như những phi công bình thường.
"Gần như cả cuộc đời quân ngũ của mình, Nguyễn Đức Soát đã gắn bó với bầu trời và đã coi bầu trời như trường đại học của mình để mà học hỏi, để được tận tâm cống hiến. Trong những trang hồi ức này dễ dàng nhận ra khát vọng luôn cháy bỏng của anh mong có thể chinh phục những loại máy bay hiện đại nhất khi không quân Việt Nam được trang bị để bảo vệ tổ quốc" - Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Thanh Đạo bày tỏ.
"Nhiều người cho rằng nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi, từ khi đã trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời đã là môi trường sống thứ hai của mình vậy."
- Trung tướng Anh hùng Phi công Nguyễn Đức Soát
Thông qua cuộc đời lao động và chiến đấu của phi công Nguyễn Đức Soát, bạn đọc không chỉ đồng hành với ông trong những trận không chiến đã trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà còn được biết thêm những câu chuyện đầy tinh thần nhân văn về giai đoạn hậu chiến - hòa giải giữa các phi công Mỹ - Việt Nam, những câu chuyện nghề nghiệp mang tính "kỹ thuật" trong thời bình. Những dòng hồi ức về chuyện đời, chuyện nghề của anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tràn đầy cảm hứng, say mê, luôn được dung dưỡng trong một tình cảm lớn với Tổ quốc, song vẫn đậm đà tình nghĩa quê hương son sắt thủy chung, thực sự khơi gợi động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng lao động, sáng tạo trong thời kỳ hòa bình, ổn định của đất nước.
Là một trong những người đầu tiên sớm được tiếp xúc với bản thảo, đọc và cảm rất kỹ cuốn hồi ức của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nhà thơ Hữu Việt đã có những nhận định đắt giá: "Kể câu chuyện của mình, nhưng tướng Soát "ẩn thân" tối đa, dành những trang viết hay nhất ngợi ca đồng đội, tri ân những người chỉ huy tài giỏi mà ông vô cùng khâm phục, bởi ông quan niệm rằng, chính họ là những người tác thành tình yêu bầu trời của ông được trọn vẹn. Sự khiêm nhường tinh tế ấy là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái-tôi tác-giả mà khiến cho người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy tác phẩm".
Lễ ra mắt sách "Bầu trời - Trường đại học của tôi" không chỉ là nơi hội ngộ của đông đảo những người đồng đội, người thân của tướng Soát mà còn có rất nhiều gương mặt quen trong giới văn chương đến chia vui cùng bạn nghề của mình – một nhà văn Nguyễn Đức Soát.
Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã khiến cả hội trường vỗ tay tán thành nhiệt liệt khi trong phần phát biểu của mình, ông đã tha thiết gửi lời mời Trung tướng Nguyễn Đức Soát trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: "Hôm nay tôi đến đây để chúc mừng Trung tướng - Anh hùng Nguyễn Đức Soát, để một lần nữa được bày tỏ với thần tượng của tôi, để một lần nữa chạm vào da thịt thần tượng và mang theo một lời mời với danh nghĩa Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Mời ông trở thành Hội viên hội nhà văn Việt Nam. Văn chương là một hiện thực trong đời sống này, nó được diễn ra, được dâng lên và được tỏa hương. Văn chương của một người anh hùng phi công rất đặc biệt mang tinh thần đó. Tôi mong một ngày tất cả những vị anh hùng ở đây, những vị tướng ở đây, những người lính ở đây hãy kể lại câu chuyện về mình để tất cả sau này không thể lãng quên được lịch sử kỳ vĩ và bi thương…".
Hồi ức "Bầu trời - Trường đại học của tôi" ra mắt đúng vào một thời điểm có ý nghĩa quan trọng, khi toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta đang hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng Phạm Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đánh giá cao giá trị cuốn sách: "Đây là cẩm nang lâu dài về lý luận và thực tiễn, mang tầm lịch sử, về tinh thần yêu quê hương, đất nước, về phát huy sức mạnh đoàn kết trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, đồng thời cũng là tài liệu để Quân chủng Phòng không – Không quân nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn trong quá trình xây dựng, phát triển lực lượng…".
Và không chỉ là cẩm nang dành cho những người lính nói riêng, từng trang hồi ức lấp lánh của phi công chiến đấu huyền thoại Nguyễn Đức Soát chắc chắn sẽ khiến cho người đọc nhiều thế hệ đều cảm thấy trân trọng, ngưỡng mộ và được truyền cảm hứng mạnh mẽ.