Dân Việt

Dư vị ngọt ngào sau khi “thưởng thức” vẻ đẹp về sự nhân ái

Thiên Việt 15/12/2024 11:05 GMT+7
Chị Kim Nhũ trước là giáo viên dạy văn ở tỉnh Điện Biên, rồi sau về Hà Nội công tác tại Báo Nông thôn Ngày nay làm Phó tổng Biên tập. Khi về hưu, chị đã in được 3 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, và bây giờ bạn đọc đang có trong tay tập truyện thứ 2 của chị tên là “Gia đình, nơi chốn ta về”.

Dư vị ngọt ngào

Vốn là nhà giáo, rồi viết báo và làm thơ, nên truyện ngắn của chị tràn đầy tính nhân ái. Đó là cái nhìn tinh tường, sắc sảo của nhà báo về cuộc sống, con người và một tấm lòng sâu thẳm, bao dung, đầy lòng trắc ẩn của một "kỹ sư tâm hồn".

Nhân vật trong truyện ngắn của chị, dù tốt hay xấu, về cuối đời, sau những phiêu bạt, vấp ngã đều thấu hiểu và đạt tới sự hướng thiện, minh triết, khoan dung, vị tha; tuy có lúc lỗi lầm, sai phạm lúc còn trẻ tuổi. Có thể nói trong tác phẩm của chị không có các nhân vật đáng ghét, cho nên bạn đọc sau khi đọc xong truyện, sẽ có một cảm giác ấm áp tình người, nhân văn và kết thúc các truyện đều để lại dư vị ngọt ngào.

Dư vị ngọt ngào sau khi “thưởng thức” vẻ đẹp về sự nhân ái - Ảnh 1.

Tác phẩm "Gia đình nơi chốn ta về" của nhà văn Kim Nhũ. Ảnh: T.V

Nhân vật Sùng trong "Đứa con thứ ba" làm nhiều điều thất đức, cuối đời khi về hưu kiếm được đứa con trai nối dõi thì con bị tâm lý không bình thường. Quả báo nhãn tiền. Sau ông sửa lỗi, đón bà Tèo - người đã nuôi ông hồi còn nhỏ về phụng dưỡng nên tình hình gia đình tốt lên. Những câu chuyện như vậy quanh ta rất nhiều nhưng nữ tác giả đã thấy rõ sợi chỉ đỏ, căn nguyên của câu chuyện và đưa vào sách như một thông điệp cảnh báo.

Bao trùm từ đầu đến cuối truyện là tình người đằm thắm, thương yêu nhau, quý mến nhau, làm cho truyện có một vẻ đẹp riêng về sự nhân ái.

Trong "Người tình của cha", cô Phượng tuy đã chia tay hai ông bà Đương, sang định cư tại Úc sau hàng chục năm, nhưng vẫn tha thiết quay về thăm, xin thắp hương cho hai ông bà. Còn bà Đan ngày xưa tuy biết là chồng mình thân cô Phượng, nhưng im lặng, vì biết "lạt mềm buộc chặt", để cho cô Phượng phải tâm phục, khẩu phục. Cô Phượng cho rằng: "Nhờ có sự nhân hậu, bao dung như trời biển của chị Đan nên cô mới có được hạnh phúc ngày hôm nay". Một mối tình tay ba nhưng không hề có thù hận cay đắng. Tác giả đã xử lý rất tinh tế và bao dung.

Trong truyện "Đứa con ngoài giá thú" khi vào đoạn cuối, ta đoán rằng ông Nguyên sẽ đồng ý gặp lại bà Mơ sau bao năm quên lãng, và nhận lại đứa con ngoài giá thú là Giáo sư Kiên Cường. Làm như thế ông vừa sửa được lỗi lầm và sẽ có đứa con trai (mà ông đang cần nối dõi). Nhưng thực tế xảy ra không như vậy. Đến lúc lìa đời, họ vẫn xa cách. Tuy vậy, trước khi bà Mơ chết vẫn căn dặn con trai: "Hãy tha thứ cho ông ta". Nhưng người con ngoài giá thú cũng không tìm đến gặp bố vì giận! Chỉ đến khi biết tin ông Nguyên mất, Giáo sư Kiên Cường mới gục xuống bàn khóc... ân hận. Rồi anh càng đau khổ khi hàng xóm cho biết có một ông già khoảng 85 tuổi vẫn đến ngồi uống cà phê đối diện nhà anh hằng ngày để mong nhìn thấy anh. Hình ảnh Kiên Cường bí mật đi đám ma bố, ném xuống huyệt những nắm đất, và nói: "Con đã tha thứ cho cha rồi, chúng ta cùng tha thứ cho nhau" là một cái kết bất ngờ và nhân ái, làm lòng người dịu lại.

Trải nghiệm sâu sắc của tác giả

Tình tiết sau cùng trong truyện "Cái hố bom" cũng đặc biệt. Bố có hai đứa con trai. Bình thường thì không có chuyện gì. Hai con đều yêu thương bố và sẵn lòng mời bố sang ở cùng. Trong lần chia gia sản, người anh có phần tị nạnh với người em vì bố có vẻ thương em nhiều hơn. Một câu chuyện rất phổ biến hiện nay trong xã hội. Trong một lần không làm chủ được bản thân, người anh đã đổ xăng vào nhà em trai và đốt, làm em trai bị thương tật. Và câu chuyện tất yếu phải ra pháp luật. Cái kết thật bất ngờ. Người anh (bị cáo) khóc lóc, xin tăng hình phạt cho bản thân; còn người em khóc lóc xin giảm án cho bị cáo. Ông bố cũng khóc. Một vụ án mà người bị hại, bị cáo và thân nhân đều khóc.

Dư vị ngọt ngào sau khi “thưởng thức” vẻ đẹp về sự nhân ái - Ảnh 2.

Tập truyện “Gia đình, nơi chốn ta về”. Ảnh: T.V

Đoạn sau của truyện ngắn "Bí mật dưới gầm giường" cũng bất ngờ và thú vị. Bà Lễ sau bao năm có một mình, chồng hi sinh ngoài mặt trận, tần tảo nuôi ba con. Đến khi chia gia sản, bà ở với con đầu. Đến giai đoạn cuối, khi bà xuống sức, ba anh em đều quan tâm, săn đón, xem bà có tiền bạc giấu ở đâu để chúng chia nhau. Bà không khỏi đau buồn vì các con vô tình. Đến lúc bà mất, sau khi tang lễ xong, các con thấy mẩu giấy mẹ để lại viết hai từ "gầm giường". Họ phát hiện ra trong cái hốc dưới gầm giường là 10 cây vàng mẹ để phần cho các con.

Tấm lòng của mẹ bao la, luôn suốt đời hi sinh lo cho con. Ba anh em ân hận, ôm nhau khóc. Khóc thì đã muộn. Kết thúc truyện có một con bướm chúa màu vàng lấp lánh bay vào nhà như linh hồn bà đã tha thứ cho các con của mình. Rồi con bướm tiếp tục bay mải miết lên cao sau khi chào các con.

Với một sự trải nghiệm sâu sắc qua hai nghề nhà giáo và nhà báo, có vốn sống dày dặn cả ở miền núi cũng như đồng bằng, với tâm hồn sâu thẳm, độ lượng, và một bút pháp tinh tế, uyển chuyển, tác giả Kim Nhũ đã chuyển tới bạn đọc những thông điệp quý báu. Đó là chỉ có lòng nhân ái, bao dung, vị tha mới là nhân tố hữu hiệu nhất để con người trở nên hạnh phúc, thanh thản và có mái nhà hạnh phúc viên mãn.

Từng là giáo viên miền núi rồi nhiều năm viết báo, nữ "nhà thơ trẻ" cũng đã ngoài tuổi "xưa nay hiếm" nên chị tận mắt thấy được nhiều điều, đã gặp được những số phận có cuộc đời ngang trái, cái giá phải trả cho lỗi lầm. Tác giả là người hiểu rõ, chiêm nghiệm rõ cuộc sống mang trong nó định luật nhân quả, đã gieo nhân nào thì nhận quả nấy.