Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
J.M. Coetzee sinh năm 1940 tại Cape Town (Nam Phi). Năm 2002 ông chuyển đến Australia định cư và đến năm 2006 được nhập quốc tịch nước này. Ông bắt đầu viết văn năm 1969 và xuất bản tác phẩm đầu tiên năm 1984. Coetzee đã hai lần được giải thưởng Booker (1983, 1999). Năm 2003 ông được trao giải Nobel văn chương cho những tác phẩm "dưới vô số vỏ bọc đã phản ánh sự nhập cuộc đáng ngạc nhiên của người lạ" như lời tuyên dương của Uỷ ban Nobel. Coetzee là nhà văn châu Phi thứ tư và là nhà văn Nam Phi thứ hai được nhận giải thưởng danh giá này. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt: "Ruồng bỏ", "Cuộc đời và thời đại của Michael K.", "Giữa miền đất ấy", "Người chậm", "Những cảnh đời tỉnh lẻ" (3 tập), và bây giờ là "Tuổi thơ của Jesus".
TUỔI THƠ CỦA JESUS
Tác giả: John Maxwell Coetzee
Dịch giả: Ngân Xuyên
Sao Bắc Media & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2024
Số trang: 365 (khổ 15x24)
Số lượng: 1000
Giá bán: 380.000đ
Cuốn tiểu thuyết này của J.M.Coetzee, "một trong những nhà văn xuất sắc nhất hiện nay viết bằng tiếng Anh" (tạp chí "Time"), khi mới ra đời đã làm sửng sốt ngay cả những độc giả trung thành và những người hâm mộ ông. Một số nhà phê bình gọi đó là "kiệt tác" và đã tính cho ông giải Booker lần ba (báo "Australian"), số khác thì tỏ ra nghi ngại trước "cuốn truyện hay nhưng lạ lùng" này (báo "Guardian"), như thường vẫn có trong sáng tác của ông.
"Tuổi thơ của Jesus" ("Childhood of Jesus", 2013) là cuốn đầu trong bộ ba tiểu thuyết về Jesus của Coetzee. Hai cuốn tiếp theo là "Những ngày đi học của Jesus" ("The Schooldays of Jesus", 2016) và "Cái chết của Jesus" ("The Dead of Jesus", 2019). Cái tên Jesus ở đầu đề tác phẩm dễ gợi tò mò cho độc giả đây là cuốn truyện kể về đấng Jesus Christ. Nhưng đó chỉ là ở tầng nghĩa sâu trong sự liên tưởng của độc giả đến đạo Thiên Chúa sau khi đọc sách. Còn trong tiểu thuyết không có một nhân vật Jesus nào cả, đến cái tên Jesus cũng không được nhắc đến. Nhân vật xuyên suốt truyện là cậu bé mang tên David.
Hành động trong tiểu thuyết "Tuổi thơ của Jesus" diễn ra tại một thành phố nhỏ nói tiếng Tây Ban Nha tên là Novilla. Tất cả cư dân vùng này đều là khách vãng lai do những nguyên nhân bí hiểm nào đó mà quên mất quá khứ của mình và rời bỏ quê hương bản quán để bắt đầu lại cuộc sống từ bàn tay trắng". Hai nhân vật chính – Simón 44 tuổi và cậu bé David 5 tuổi, đến Novilla cũng vậy. Họ, cũng như các người khách khác, được đặt tên mới, được cấp nhà ở, Simón được giúp kiếm việc làm. Nhưng rồi họ cũng không sống lâu ở chỗ mới: vấp phải những luật lệ không đủ sức chống lại, họ rời khỏi thành phố đó đi "tìm một xứ khác" để lại bắt đầu mọi việc lại từ đầu. Có thể tóm tắt cốt truyện của cuốn tiểu thuyết là vậy. Nhưng như trong các tác phẩm khác của Coetzee, cốt truyện không phải là chính. Vậy thực ra câu chuyện lạ lùng này nói về điều gì?
Năm 2012, một năm trước khi xuất bản "Thời thơ ấu của Jesus", Coetzee đã trở về Nam Phi quê hương mình để phát biểu trước các sinh viên đại học Cape Town (nơi ông từng dạy học nhiều năm) và giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới của mình. Ông đã đọc cho sinh viên trích đoạn Simón dạy David đọc tiếng Tây Ban Nha. Cuốn sách Simón dùng để dạy là tác phẩm "Don Kihote" bản dùng cho trẻ em có minh họa.
David là một đứa trẻ có năng lực khác thường và có trí tưởng tượng sống động. Cậu không thích cảm nhận thế giới với những quy luật và lề luật như nó có. Các chữ cái, con số, từ ngữ đối với cậu là tồn tại riêng biệt, không thể nào xếp cạnh nhau, không liên quan gì với nhau. Cậu cho rằng giữa chúng có một "hố thẳm" có thể bị rơi xuống (nhưng cái gì rơi xuống hố thẳm đó thì không biết).
Nhiều lần trong các bài phát biểu và bài viết của mình Coetzee đã bày tỏ sự khâm phục sáng tác của Cervantes, gọi ông là "người khổng lồ gánh trên vai những nhà văn bé mọn của các đời sau". "Don Kihote" đối với Coetzee là mẫu mực của việc xa lánh cái hiện thực đã trở nên không thể chịu đựng được nữa. Là cách tạo ra một thế giới khác cho con người sống, nơi tình cảm và cảm xúc quan trọng hơn chuyện chính trị và các chuẩn mực xã hội.
Simón đã chọn chính "Don Kihote" có lẽ để chỉ cho David thấy tấm gương của một nhân vật không sợ theo đuổi trí tưởng tượng của mình, để David không từ bỏ cách cậu hình dung thế giới và không sợ bảo vệ cách hình dung đó. Simon nói với cậu bé: "Don Kihote" là một cuốn sách khác thường cháu ạ. Nó phơi bày cả thế giới cho ta thấy qua hai cặp mắt, của Don Kihote và Sancho. Trong mắt Don Kihote thì cối xay gió là gã khổng lồ. Trong mắt Sancho thì cối xay gió là cối xay gió. Phần đông chúng ta, có thể là không có cháu, nhưng dù sao cũng là phần đông chúng ta, đồng ý với Sancho rằng đó là cối xay gió. Kể cả người họa sĩ vẽ bức tranh cối xay gió. Và cả người viết ra cuốn sách." (tr. 203-204). Nhưng cách nhìn của Don Kihote có quyền tồn tại, cũng như cái thế giới tưởng tượng của cậu bé khi nhìn vào những bức minh họa trong truyện mà nghĩ ra một biến thể của mình về những cuộc phiêu lưu của Don Kihote.
Chuyện phiêu lưu của Don Kihote, người đọc quá nhiều tiểu thuyết hiệp sĩ nên "tẩu hỏa nhập ma", kết thúc bằng sự đầu hàng của óc tưởng tượng trước thực tế: lão quay về nhà và chết trên giường. Cuốn tiểu thuyết của Coetzee mở ra hy vọng khi kết thúc: Simón và David rời khỏi Novilla đi tìm chỗ ở mới. Đáp lại câu hỏi của David họ sẽ làm gì ở đấy, Simón trả lời:
"Chào buổi sáng, chúng tôi là những người mới đến và đang tìm một nơi để ở". "Và"
"Thế thôi. Tìm một nơi để ở, để bắt đầu một cuộc sống mới". (tr. 365)
Dọc đường đi họ thu nạp các "môn đệ" của David – những người sẵn sàng tin vào cậu bé coi mình là một pháp sư. Bất kể người lạ nào sẵn lòng tin cậu đều thành người thân của cậu. "Xứ khác" hai nhân vật đi tìm là chỗ nào? Có lẽ đó là một xứ sở có tự do cho mọi tư tưởng và tưởng tượng. Liệu họ có tìm được một nơi như thế không?
Bản thân Coetzee khi rời Nam Phi đến Australia có lẽ cũng cảm thấy ở đấy mình dù là một vị khách được chào đón nhưng vẫn là một "người lạ". Ông cũng như nhiều người Nam Phi thuộc thế hệ mình đều có mong muốn được đến bất kỳ một nước nào khác để thoát khỏi lịch sử của tổ quốc mình. Trong các bài viết của mình ông nhiều lần trích những câu thơ của nhà thơ Nam Phi William Plomer:
Hãy cho chúng tôi đi sang xứ khác
Không phải xứ anh và xứ tôi
Để bắt đầu tất cả
lại từ đầu.
Xứ khác, đó là nơi không có biên giới, không có kiểm tra hộ chiếu, nơi tất cả đều là khách lại qua, không biết nguồn gốc của mình, nơi tất cả nói cùng một thứ tiếng và không kể gì khác biệt về màu da hay nét mặt. Có thể chính trong sự hỗn hợp tất cả mọi người như vậy Coetzee nhìn thấy tương lai một thế giới không còn người Phi, người Âu, không còn người đen người trắng, khi tất cả không tách biệt về chủng tộc.
"Tôi là người mơ ước tự do (như mọi người tù đều mơ ước) và mơ về những con người bứt khỏi gông cùm để ngước mắt về phía mặt trời.", - Coetzee nói về mình như vậy trong một cuộc phỏng vấn.
"Tuổi thơ của Jesus" là câu chuyện về những con người tìm cách vứt bỏ những quy phạm, lề luật ràng buộc của thế giới hiện thực để được tự do hành động, tự do tư duy và tưởng tượng.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 17/6/2024
Vui lòng nhập nội dung bình luận.