Dự án khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc
Dự án Khu Liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 15.000 tỷ đồng, bao gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động chỗ dành cho bóng đá và điền kinh, nhà thi đấu tổng hợp, có thể tổ chức các giải đấu quốc tế. Nơi đây từng được kỳ vọng trở thành khu thể dục thể thao hiện đại bậc nhất TP.HCM. Thế nhưng, từ khi chủ trương đầu tư vào năm 1994, đến nay dự án vẫn đang "bất động".
Ghi nhận của PV Dân Việt, qua suốt 3 thập kỷ, hiện tại Khu Liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc vẫn còn là bãi đất trống rộng bạt ngàn, được người dân tận dụng làm ao hồ nuôi thả cá.
Khu liên hợp ban đầu quy hoạch trên diện tích 466ha, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh còn 212ha. Trong đó, 180ha được dùng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật.
Việc dự án bị trì hoãn tiến độ nhiều năm gây lãng phí, đặc biệt là làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư nằm trong vùng dự án.
Bà Trần Mai An (trú TP.Thủ Đức) chia sẻ: "Do nhà nằm trong dự án nên không thể sửa chữa hay làm gì được, đời sống của người dân vì thế mà cũng chịu thiệt trong thời gian dài. Mấy chục năm qua chẳng nghe động tĩnh gì triển khai dự án, người dân chúng tôi không biết đường nào mà tính".
Liên quan đến dự án này, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM cho biết, do khu Rạch Chiếc nằm trong tổng thể khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP phải tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn nên gặp khó khăn trong triển khai các dự án thuộc khu Rạch Chiếc.
Thêm vào đó, trước đây TP kêu gọi một số dự án đầu tư liên quan đến đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên từ năm 2019, sửa đổi Luật Đầu tư công, TP không triển khai được các dự án PPP lĩnh vực này nữa.
Sau khi tái khởi động PPP, TP tiếp tục mời gọi đầu tư, trong 21 dự án PPP thành phố kêu gọi đầu tư lĩnh vực VH-TT thì có 16 dự án thuộc khu Rạch Chiếc. Trong đó có sân bóng đá quy mô 50.000 chỗ ngồi. Đó là những bước tái khởi động dự án này.
Cũng theo Giám đốc Sở VH-TT, dự án gián đoạn một thời gian do điều chỉnh về quy hoạch, phê duyệt quy hoạch cũng như những quy định pháp luật chưa phù hợp. Hiện TP đang xúc tiến các thủ tục tiếp theo để quy hoạch, đầu tư của dự án được thực hiện trong thời gian tới.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu "đất vàng" rộng gần 1,5ha ngay trung tâm TP với 4 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Trước đó, ở vị trí này là nhà thi đấu cũ xây từ năm 1977, sửa sang nâng cấp vào năm 1985. Nơi đây từng diễn ra nhiều sự kiện thể thao quan trọng của TP. Năm 2017, nhà thi đấu cũ được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng.
Dự án xây mới Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng có chủ trương từ năm 2008. Theo thiết kế ban đầu, nhà thi đấu được xây dựng trên diện tích 14.700m2 với 2 khối là cụm nhà thi đấu chính và khu vực tập luyện đa năng. Sân thi đấu với khán đài có sức chứa 4.000 chỗ. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa triển khai khiến khu đất nằm ở trung tâm TP.HCM bị bỏ hoang.
Tháng 4/2023, UBND TP.HCM quyết định dừng dự án theo hợp đồng BT và chuyển sang xây dựng nhà thi đấu bằng ngân sách.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận, vì nhiều lý do nên nếu tiếp tục thực hiện dự án theo hợp đồng BT dự án này sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý. Cùng với tính cấp thiết thực hiện ngay dự án, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo dừng đầu tư dự án theo phương thức hợp đồng BT và chuyển về hình thức đầu tư công.
Hiện nay, Tổ công tác của TP cùng với nhà đầu tư đang tập trung rà soát để đề xuất với UBND TP một phương thức đầu tư hợp lý nhất và sẽ đề xuất với lại HĐND TP thông qua dự án này.
Các thủ tục đang tiến triển khá thuận lợi và sẽ báo cáo để công bố dự án này trong dịp TP kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều cử tri bức xúc về tiến độ thực hiện dự án khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc và Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng. Các đại biểu cho rằng, việc dự án kéo dài khiến nhiều giải đấu lớn của khu vực, thậm chí có những môn tầm quốc tế cũng không thể tổ chức được tại TP.HCM.