Dân Việt

Các cuộc đàm phán về quá cảnh khí đốt của Ukraine đầy rẫy 'cạm bẫy'

PV (Theo RT) 15/12/2024 18:51 GMT+7
Thủ tướng Robert Fico cho biết Slovakia sẽ không khuất phục trước sức ép của phương Tây nhằm thay thế khí đốt tự nhiên của Nga bằng nguồn khí đốt thay thế đắt tiền hơn.
Các cuộc đàm phán về quá cảnh khí đốt của Ukraine đầy rẫy 'cạm bẫy'  - Ảnh 1.

   Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ảnh Getty Images

Thỏa thuận quá cảnh giữa Moscow và Kiev bao gồm một phần nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho EU sẽ hết hạn vào cuối tháng này.

Chính phủ Slovakia đang tham gia vào các cuộc đàm phán "rất căng thẳng" về việc giao hàng cho năm tới, bao gồm cả việc quá cảnh qua Ukraine, Thủ tướng Fico nói với các phóng viên.

Slovakia và Hungary là hai quốc gia EU duy nhất vẫn phụ thuộc nhiều vào đường ống khí đốt của Nga.

Phát biểu sau cuộc họp nội các, ông Fico cho biết có "một số lượng lớn cạm bẫy" do "tuyên bố chính trị" của Ukraine về vấn đề này và "áp lực" ngăn chặn dòng khí đốt từ Nga sang EU gây ra,

Ukraine cho biết họ sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển hiện tại sau ngày 31/12 và Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko tuyên bố trong tuần này rằng Kiev đã chuẩn bị cho việc "không trung chuyển" khí đốt của Nga qua mạng lưới của mình bắt đầu từ ngày 1/1.

Mạng lưới vận chuyển của Ukraine được kết nối với hệ thống đường ống của Moldova, Romania, Ba Lan, Hungary và Slovakia. Theo dữ liệu mới nhất, EU vẫn nhận được khoảng 5% khí đốt từ Nga qua Ukraine.

Ông Fico lưu ý rằng các giải pháp cung cấp khí đốt thay thế đắt hơn đáng kể so với lựa chọn của Nga.

"Chúng tôi bác bỏ điều này. Chúng tôi không thấy lý do gì phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt so với mức cần thiết vì lý do địa chính trị. Các cuộc đàm phán cực kỳ căng thẳng ở nhiều cấp độ và tại nhiều quốc gia khác nhau" sẽ bắt đầu vào tuần tới và tiếp tục trong suốt kỳ nghỉ lễ",  thủ tướng Slovakia cho biết,

Thủ tướng Fico cho biết ông "tự tin" rằng có thể tìm ra giải pháp để duy trì dòng khí đốt chảy tới Slovakia thông qua Ukraine.

EU tuyên bố ý định chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga sau khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022. Nguồn cung cấp nhiên liệu có giá thành cao hơn từ Mỹ đã thay thế phần lớn nguồn khí đốt giá rẻ qua đường ống mà trước đây Nga cung cấp.

Người đứng đầu năng lượng mới của Liên minh châu Âu, Dan Jorgensen, đã tuyên bố vào đầu tuần này rằng "ưu tiên chính" của ông là lập ra một kế hoạch sẽ cắt đứt mọi liên kết năng lượng của khối với Nga. Jorgensen thừa nhận rằng cho đến nay EU vẫn chưa thể khắc phục được sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Theo nền tảng thu thập dữ liệu Statista của Đức, Berlin chiếm 18% giá trị nhập khẩu khí đốt tự nhiên vào EU trong quý 2 năm 2024.