Trước đây, cua lông khá nhiều ở sông Phủ và là một món ăn dân dã đối với những người dân sinh sống tại khu vực này. Tuy nhiên, theo thời gian, loài cua này dần được giới sành ăn săn đón nhiều hơn và được nhiều nơi xem là món đặc sản đắt đỏ; bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của đô thị nên cua lông tự nhiên ở sông Phủ cũng dần ít đi.
Trăn trở trước sản vật của quê hương ngày đang bị cạn kiệt, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Nguyệt ở tổ dân phố 2, phường Đại Nài (TP. Hà Tĩnh) đã triển khai mô hình nuôi cua lông trên diện tích hơn 3.000m2 (nuôi lẫn với các loại thủy hải sản khác).
"Cua giống chủ yếu là cua lông nhỏ được khai thác từ tự nhiên. Nuôi cua lông không khó, cua chủ yếu ăn cá tạp xay nhỏ hoặc tự kiếm ăn trong tự nhiên và phải có hệ thống cống thông với sông Phủ để đảm bảo cân bằng nguồn nước", chị Nguyệt cho biết.
Sau gần 2 năm triển khai thí điểm theo hình thức quảng canh, mô hình đã mang lại những kết quả khá khả quan, hướng tới đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Cua lông bắt đầu vào mùa khoảng tháng 8 âm lịch hằng năm và tới tháng 10 âm lịch là lúc cua béo và thơm ngon nhất. Hiện tại, ở mô hình của anh Hiển, chị Nguyệt, cua được thu hoạch 2-3 lần/tuần, mỗi lần có thể thu được từ 5 - 7kg và được nhập cho các nhà hàng với giá khoảng 140.000 đồng/kg.
Chị Nguyệt cho biết, chị thường xuyên nhận được các đơn hàng của các hộ gia đình tại Hà Nội. Điều này cũng phần nào cho thấy sức hấp dẫn của loại cua này.
Trong thịt cua lông có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như protein, các loại khoáng chất và vitamin. Ngoài ra, trong cua lông còn chứa nhiều chất béo tốt Omega-3 giúp bảo vệ hệ tim mạch, xương khớp và hỗ trợ phát triển trí não...
Cua lông có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: hấp, rang me hoặc giã nhỏ nấu canh rất ngọt, thơm. Đặc biệt là lớp gạch cua sáng mịn, béo, thơm. Nếu có dịp, hãy thử cua lông sông Phủ để có cho mình những trải nghiệm thú vị với ẩm thực Hà Tĩnh.
Mô hình nuôi cua lông là một trong những mô hình mới được triển khai trên địa bàn. Mô hình đã tận dụng được những lợi thế về mặt tự nhiên của các hộ có diện tích đất giáp với sông Phủ. Đây là một nguồn lợi tự nhiên mà chỉ ở sông Phủ có được. Qua một thời gian triển khai cho thấy, cua lông được thị trường rất ưa chuộng nên mang lại giá trị kinh tế khá cao cho hộ nuôi.
Đây là cơ sở để địa phương tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về tập tính của cua lông, qua đó từng bước nhân rộng mô hình. Ngoài cua lông, thời gian qua, phường cũng đã triển khai nhiều mô hình kinh tế khác mang lại hiệu quả cao. Đây là các mô hình phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về đất đai, sông nước của Đại Nài, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.