Dân Việt

Coco Next 2024: Làm gì để nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam?

Đông Anh 17/12/2024 15:55 GMT+7
Với tổng diện tích trồng dừa cả nước hơn 200.000ha, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và, giữ vị trí thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường quốc tế. Làm gì để nâng tầm chuỗi giá trị cho ngành dừa Việt Nam ?

Kỷ nguyên mới cho ngành dừa

Ngay trong hội thảo quốc tế Coco Next 2024 vừa diễn ra tại tỉnh Bến Tre (từ ngày 125- 17/12, hội thảo do Hiệp hội dừa VN và Công ty Betrimex tổ chức), nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã nhất trí đặt vấn đề: Việt Nam cần phải mở ra kỷ nguyên mới cho ngành dừa.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đến ngành dừa phải có một chiến lược phát triển bền vững. Kế đó, phải đổi mới công nghệ, nâng tầm giá trị; từ đó, tạo nên bệ phóng kinh doanh cho ngành dừa trong kỷ nguyên mới.

Làm gì để nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam ?- Ảnh 1.

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Ảnh: Đông Anh

Các phiên thảo luận khai thác sâu về việc xây dựng những chính sách phát triển bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý chuỗi giá trị, cũng như thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và tối ưu chuỗi giá trị cho ngành dừa.

Đồng thời, những mô hình đổi mới đến từ các quốc gia dẫn đầu trong ngành dừa cũng được chia sẻ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng và dài hạn.

Hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hình chiến lược tổng thể, nhằm biến dừa thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Sự kiện lần này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành dừa quốc tế, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng cho toàn ngành.

Nâng tầm chuỗi giá trị cho ngành dừa, tại sao không ?

Theo ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: "Lãnh đạo tỉnh đã xác định cây dừa là cây công nghiệp chủ lực. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến dừa, gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế".

Làm gì để nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam ?- Ảnh 2.

Tỉnh Bến Tre với những vườn dừa bạt ngàn. Dừa là cây trồng chủ lực của địa phương này. Ảnh: T.L

Thế nhưng, lâu nay, trên thực tế, ngành dừa Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong sản xuất, chế biến, thị trường xuất khẩu, giá cả thu mua bấp bênh… Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) - cho rằng:

"Muốn tiến sâu hơn trên thị trường toàn cầu, ngành dừa cần đẩy mạnh sản xuất và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, đặc biệt các sản phẩm chế biến sâu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong khâu sản xuất dừa, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành dừa trong vùng".

Bên cạnh đó, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong ngành dừa vẫn còn rời rạc. Hiện nay, đã có gần 2.800 nhãn hiệu dừa, nhãn hiệu dừa tập thể xin cấp quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên,việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu của các chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn còn hạn chế về kiến thức pháp luật. Do vậy, vẫn chưa khai thác được đầy đủ và hiệu quả tài sản nhãn hiệu, thương hiệu sẵn có.

Làm gì để nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam ?- Ảnh 3.

Chế biến nước dừa đóng hộp - sản phẩm chủ lực của Công ty Betrimex. Ảnh: Đông Anh

Theo bà My: Việc tích hợp công nghệ tiên tiến vào ngành dừa không chỉ là sự lựa chọn, mà sẽ là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng bền vững và nâng cao chuỗi giá trị.

Các tiến bộ công nghệ hứa hẹn đưa ngành dừa lên một tầm cao mới. Từ kỹ thuật đóng gói sáng tạo, những phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi trong chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, khai thác năng lượng bền vững, cho đến phát triển các sản phẩm mới từ cây dừa.

Trong lúc đó, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam - nói: "Ngành dừa có chuỗi giá trị rất lớn. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa khai thác hết chuỗi giá trị của cây dừa. Chưa kể, ngành dừa đang gặp một thách thức lớn. Đó là sự "chảy máu" nguyên liệu qua các thị trường đối thủ như: Thái Lan, Trung Quốc…".

Làm gì để nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam ?- Ảnh 4.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long xuất bán dừa thô. Ảnh: Đông Anh

Vì thế, bà Thanh cho rằng, song song với đẩy mạnh chế biến sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng tầm chuỗi giá trị cho cây dừa. Chính phủ cần đề ra một cơ chế, hàng rào kỹ thuật bảo vệ hợp lý cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Chẳng hạn như Philippines, không cho xuất khẩu nguyên liệu dừa thô ra nước ngoài. Hay Indonesia, từ ngày 1/1/2025 sẽ đánh thuế xuất khẩu nguyên liệu dừa thô lên tới 80%…

Ngành dừa Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Thống kê mới nhất, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 79.000 ha dừa, đã xuất khẩu sáng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hằng năm gần 500 triệu USD.

Làm gì để nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam ?- Ảnh 5.

Sản phẩm than hoạt tính được chế biến từ vỏ gáo dừa ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Đông Anh

Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa,…

Tuy nhiên, theo Hiệp hội dừa tỉnh Bến Tre: Mặc dù có nhiều đóng góp lớn đối với kinh tế của tỉnh, ngành dừa vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đó là sự liên kết lỏng lẻo trong quan hệ thương mại giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. 

Mặt khác, công nghệ chế biến chưa cao, năng lực chế biến chưa được phát huy tối đa. Các sản phẩm chế biến còn thiên về sản phẩm thô, thiếu cân đối nguồn nguyên liệu cho chế biến nội tỉnh. Và, năng lực vốn để nâng cấp công nghệ còn kém, là những hạn chế quan trọng nhất.

"Hơn bao giờ, ngành dừa Việt Nam cần một giải pháp thật sự căn cơ từ cơ chế, chính sách của nhà nước, cộng với sự đầu tư về tiềm lực, công nghệ, đa dạng sản phẩm dừa… Qua đó, mới nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực" - bà Đặng Huỳnh Úc My nói.