Dân Việt

Nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng: "Chìa khóa" ở khâu chọn giống

Thiên Ngân 17/12/2024 14:00 GMT+7
Giống là một trong hai khâu quan trọng nhất trong sản xuất lâm nghiệp. Không có năng suất cao thì trồng rừng không thể có hiệu quả mong muốn, vì vậy rất cần bộ giống cây lâm nghiệp chất lượng, phù hợp với mục tiêu kinh tế đặt ra và phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương.

183 giống cây lâm nghiệp đã được công nhận

Theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, với các mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5% năm (so với 2% - 3% giai đoạn 2006 - 2020); trồng rừng sản xuất đạt khoảng 340.000 ha/năm vào năm 2030; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với các loài cây bản địa, quý, hiếm bình quân 4.000 - 6.000 ha/năm. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng phấn đấu đặt 35 triệu m3 vào năm 2025 và 50 triệu m3 vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cho rằng, công tác giống có vai trò quan trọng hàng đầu để nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng. 

Trong giai đoạn vừa qua, được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển giống, công tác giống lâm nghiệp của nước ta đã có những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.

Theo số liệu thống kê của ngành lâm nghiệp, năng suất rừng trồng cả nước đạt bình quân khoảng 15 m3/ha/năm, tăng 50% so với năm 2009 (10 m3/ha/năm). Những diện tích rừng trồng, rừng thâm canh các giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia đạt 20 - 25 m3/ha/năm, cá biệt có mô hình rừng trồng đạt năng suất 40 m3/ha/năm (Tổng cục Lâm nghiệp, 2020). 

Đến nay đã có 183 giống cây lâm nghiệp được công nhận, trong đó 55 giống được trồng phổ biến. Giống các loài keo, bạch đàn thông chiếm 70% diện tích rừng trồng sản xuất.

Nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng:  - Ảnh 1.

Anh Trương Văn Tình giới thiệu sản phẩm cây giống lâm nghiệp của vườn ươm Tân Trí tại thôn Trung Thành, xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Quân

Nhiều cơ sở sản xuất cây lâm nghiệp ở các địa phương đã áp dụng công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật sử dụng vật liệu mới, không dùng đất; công nghệ cơ giới hóa, tự động và bán tự động trong khâu đóng bầu, chăm sóc cây giống; ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, điều khiển tự động hoặc bán tự động trong hệ thống nhà kính, nhà lưới, nhà màng, vườn ươm. 

Đại diện Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cho biết, để tăng năng suất cây trồng thì vừa phải chọn tạo giống có năng suất cao, chọn vùng sinh thái và điều kiện lập địa phù hợp, vừa phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh khác để tạo điều kiện hoàn cảnh tối ưu cho sinh trưởng của cây trồng.

Tuy nhiên, cây rừng có đặc thù riêng (khác hẳn so với các loài cây nông nghiệp) là đời sống dài ngày, lâu ra hoa kết quả, lâu thu hoạch sản phẩm, diện tích canh tác lại lớn, việc tạo hoàn cảnh tối ưu chủ yếu chỉ có thể thực hiện ở giai đoạn vườn ươm và giai đoạn đầu sau khi trồng. 

Do vậy, muốn tăng năng suất rừng trồng phải sử dụng giống được cải thiện có năng suất cao và phù hợp với điều kiện sinh thái, lập địa và hoàn cảnh.

"Các nhà lâm nghiệp đã phải mất một thời gian dài để thừa nhận rằng các biện pháp kỹ thuật thâm canh như làm đất, bón phân,… cũng không thể thu được năng suất tối đa trừ khi sử dụng những giống có chất lượng tốt nhất. Ngược lại, qua thực tế các nhà lâm nghiệp cũng nhận ra rằng bất luận 1 giống cây xuất sắc như thế nào về mặt di truyền vẫn không thể đạt được sản phẩm tối đa trừ khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh trong một thời gian dài", Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp thông tin.

Nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng:  - Ảnh 2.

Anh Trương Văn Tình, xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần (Hà Giang) kiểm tra cây giống lâm nghiệp tại vườn ươm. Ảnh: Nguyễn Quân

Trước kia, do mục tiêu đặt ra là trồng rừng phủ xanh nên tại nhiều nơi chưa quan tâm đầy đủ đến việc chọn lọc và sử dụng giống có năng suất, chất lượng tốt (người trồng chỉ quan tâm đến tỷ lệ sống trong 1 - 2 năm đầu trước khi nghiệm thu mà ít chú ý đến hiệu quả của trồng rừng, vì thế, diện tích rừng trồng khá nhiều nhưng số diện tích rừng trồng có năng suất cao còn ít). 

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác giống lâm nghiệp, những năm qua Đảng và Nhà nước đã tiếp tục quan tâm, đầu tư nghiên cứu cải thiện giống, chuyển giao công nghệ, sản xuất giống cũng như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và chuyển giao. Đến nay, các loài cây sinh trưởng nhanh như keo, bạch đàn, thông đã thể hiện vai trò là nhóm loài cây có vai trò quan trọng đặc biệt trong cơ cấu cây trồng rừng nước ta. 

Các loại cây này là nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất giấy, ván dăm, ván sợi và đồ mộc phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Diện tích rừng trồng các loài cây này đến năm 2021 đạt khoảng 2,8 triệu ha (trong đó các loài keo là 2,2 triệu ha – 60%) chiếm khoảng hơn 70% tổng diện tích rừng trồng cả nước. 

Trong đó, riêng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã xây dựng được hơn 200ha vườn giống các loài keo, bạch đàn và thông trên cả nước; đã được Bộ NNPTNT công nhận 39 vườn giống là nguồn giống Quốc gia. 

Bên cạnh đó, Viện đã chọn tạo và công nhận giống Quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật cho 172 giống các loài keo, bạch đàn, thông, mắc ca,... Xây dựng thành công các quy trình nhân giống bằng công nghệ mô - hom cho các giống được công nhận, 05 tiến bộ kỹ thuật, 13 tiêu chuẩn Việt Nam và 01 giải pháp hữu ích... 

Nhờ chú trọng công tác nghiên cứu chọn tạo giống và phát triển giống mới nên năng suất rừng trồng nước ta đã có bước cải thiện đáng kể, từ dưới 10 m3/ha/năm giai đoạn trước năm 2000 - 2010, lên đến 15 - 20 m3/ha/năm giai đoạn 2015 - 2020, góp phần nâng cao đời sống người dân trồng rừng và phát triển các ngành kinh tế liên quan như sản xuất giấy, ván nhân tạo, xuất khẩu dăm gỗ và sản xuất đồ mộc xuất khẩu.