Dân Việt

Vào tổ khuyến nông cộng đồng, làm không hết việc, thu nhập được tăng thêm

Minh Huệ 18/12/2024 11:33 GMT+7
Chỉ sau 2 năm thực hiện Đề án thí điểm mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, những người mặc áo xanh đồng phục có dòng chữ "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông" đã trở thành thương hiệu, thể hiện vai trò quan trọng trong kết nối chuỗi sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.

Cả nước đã có 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng

Thực hiện Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng", từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả vượt mong đợi. 

Cụ thể, toàn quốc đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) với 47.293 thành viên tham gia. Trong đó, số tổ thuộc Đề án thí điểm là 26 Tổ với 156 thành viên. Ngoài Đề án có tới 5.141 Tổ KNCĐ với 47.137 thành viên.

Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương (hội nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, HTX, doanh nghiệp...), đại diện HTX, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Những con số này cho thấy, Đề án KNCĐ đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp, HTX và người nông dân. 

"Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông" đã trở thành thương hiệu - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc (giữa) cùng tổ khuyến nông cộng đồng thăm vùng nguyên liệu gỗ ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: A.T.

Điều đáng mừng là đến nay, các tổ KNCĐ trên cả nước đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ ở nhiều mặt. Cụ thể, đối với nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhiều tổ KNCĐ tại các địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng để thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho các doanh nghiệp, HTX và nông dân trên địa bàn; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuộc các dự án, mô hình khuyến nông, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình hỗ trợ sinh kế khác của địa phương,…

Hỗ trợ UBND các xã tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu người dân tham gia các lớp tập huấn truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng; hướng dẫn thực hiện cam kết an toàn thực phẩm, đăng ký mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói,…

Phối hợp thực hiện 25 lớp tập huấn kỹ thuật thuộc dự án khuyến nông Trung ương. Ngoài ra các tổ KNCĐ còn phối hợp với doanh nghiệp/HTX tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho người sản xuất với trên 150 lớp tập huấn với các công ty, doanh nghiệp tại 13 tỉnh vùng nguyên liệu về kỹ thuật trồng cây ăn quả theo VietGAP, như Công ty Doveco, Nafood, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, HTX Nông nghiệp Thế hệ mới Đăk Mar, HTX sản xuất và DV Tâm Thành… 

Đối với nhiệm vụ hỗ trợ phát triển HTX, các tổ KNCĐ tại 5 vùng nguyên liệu đã tư vấn, hỗ trợ cho gần 50 HTX với tổng diện tích gần 10.000 ha trong việc lồng ghép các chương trình, dự án khuyến nông để các HTX tăng cường phát triển, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất. 

Một số tổ KNCĐ cung cấp dịch vụ cho các thành viên HTX, các tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi, quy trình sản xuất thực hành hữu cơ, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất hữu cơ, sản xuất theo quy trình VietGAP,...

"Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông" đã trở thành thương hiệu - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau thăm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải tại Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Đặc biệt, các tổ KNCĐ trên cả nước ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong nhiệm vụ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn. 

Đơn cử, tổ KNCĐ tại tỉnh Sơn La đã hỗ trợ, kết nối nông dân, HTX với Công ty DOVECO Sơn La, Công ty Bảo Lâm tiêu thụ dứa cho nông dân huyện Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mộc Châu; kết nối với Công ty Nafoods Gia Lai tiêu thụ trên 100 tấn chanh leo; kết nối với thương lái tại chợ Long Biên tiêu thụ trên 50 tấn chanh leo và 15 tấn na; kết nối với thương lái Trung Quốc tiêu thụ 22 tấn chanh leo qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn cho nông dân huyện Mai Sơn...

Tổ KNCĐ tại tỉnh Hoà Bình đã liên kết và giới thiệu Công ty TNHH XNK nông sản T9 để xây dựng phát triển mô hình và tiêu thụ sản phẩm ớt, chanh dây; liên kết với Công ty TNHH đầu tư thương mại Tiến Ngân phát triển sản xuất và thu mua sản phẩm mía tím phục vụ xuất khẩu; ký kết hợp đồng với Công ty mía đường Đài Loan đẩy mạnh sản phẩm mía ép nước... Ngoài ra, các Tổ KNCĐ mở rộng còn hỗ trợ các HTX xây dựng hợp đồng để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo cho quá trình liên kết chuỗi thành công.

Hay như tổ KNCĐ tại tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ kỹ thuật xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C và liên kết sản xuất với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với sự tham gia của hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum; phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điển triển khai chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum…

Tăng thu nhập cho người làm công tác khuyến nông cơ sở 

Sự ra đời của hàng nghìn tổ KNCĐ đã nối lại sự liên kết của hệ thống khuyến nông trước thực trạng bị đứt gãy sau khi sát nhập 3 trạm cấp huyện và giải thể hệ thống khuyến nông cấp xã. Đây là bước đi đúng đắn trong sự chuyển biến của sản xuất nông nghiệp tại địa phương. 

Tổ cũng đã thể hiện vai trò nòng cốt “Là cầu nối giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp” giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; tránh sự bấp bênh, rủi ro của nông sản; tạo ra môi trường sản xuất bền vững, an toàn và hiệu quả. 

Các mô hình tổ KNCĐ triển khai đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân. Đặc biệt là ở các vùng nguyên liệu, nông dân đã được tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, được tham gia liên kết sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường. 

Song có lẽ điều quan trọng nhất, đó là tổ KNCĐ đã dần chứng minh được vai trò, chỗ đứng của mình trong chuỗi sản xuất nông nghiệp và qua đó, thu nhập của những người làm công tác khuyến nông cũng được cải thiện. 

Đơn cử, các tổ KNCĐ tại Kiên Giang đã phối hợp Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời tổ chức 46 Ngày hội liên kết cho các HTX NN liên kết tiêu thụ lúa với 2.126 nông dân tham gia; hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác trao đổi với Công ty Đại Dương Xanh, Công ty CP Giống cây trồng Cửu Long, Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ - sản xuất lúa giống Hai Thụ để liên kết tiêu thụ giống lúa (Jasmine 85, OM18, Đài Thơm 8...).

Đặc biệt, các Tổ KNCĐ vùng ĐBSCL đã triển khai các hoạt động khuyến nông cộng đồng phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải như: Chuyển giao quy trình, kỹ thuật, công nghệ canh tác lúa giảm phát thải; hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX. Nhiều Tổ KNCĐ đã kết nối được với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào - đầu ra để triển khai các dịch vụ kỹ thuật hiệu quả.

Theo đó, Tổ KNCĐ được hưởng từ 500 – 1.000 đồng/kg sản phẩm đầu ra; từ 5 - 10% doanh số khi kết nối và tư vấn cho nông dân. Thu nhập thêm bình quân của các thành viên Tổ KNCĐ từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.