Ngày 17/12, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM tổ chức Hội thảo Chính sách Khuyến nông và định hướng xây dựng chương trình Khuyến nông giai đoạn 2026-2030 tại huyện Củ Chi, TP.HCM.
Ông Dương Kim Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay, tại TP.HCM diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Để duy trì và phát triển ngành nông nghiệp, Thành phố cần lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bố trí vị trí, diện tích xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, cần quản lý sử dụng tối ưu đất nông nghiệp trong tương lai.
"Các chuyên gia nhận định, mặc dù ngành nông nghiệp TP.HCM chiếm tỷ trọng không cao, khoảng 1% GRDP trong toàn bộ nền kinh tế Thành phố, nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội của Thành phố", ông Hà cho biết.
Khuyến nông là đơn vị trực thuộc Sở NNPTNT, có vai trò cầu nối giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận nhanh chủ trương, chính sách mới, tiến bộ với khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất.
Theo ông Hà, có thể nói khuyến nông là cầu nối giữa ngành NNPTNT với các cơ quan quản lý địa phương. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ chung của ngành NNPTNT, Khuyến nông TP.HCM đề ra định hướng hoạt động phát triển phù hợp với nền nông nghiệp đô thị Thành phố thông qua việc bám sát thực hiện các Chương trình, nhiệm vụ trọng tâm.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM nhấn mạnh sự cần thiết của mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng. Mô hình này giúp tăng cường công tác khuyến nông cơ sở, đặc biệt là cấp xã. Trong đó, lấy HTX nông nghiệp là nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, đa dạng hoạt động khuyến nông theo hướng tiếp cận dịch vụ.
UBND TP.HCM cũng đã có công văn yêu cầu đẩy mạnh hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng ở 5 huyện ngoại thành.
"Tổ khuyến nông cộng đồng là cơ sở cần thiết, quan trọng để các huyện, xã làm căn cứ tổ chức, đánh giá một trong các tiêu chí về nông thôn mới. Hoạt động khuyến nông cộng đồng là định hướng phát triển đúng đắn, kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, HTX, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật", ông Hà nhấn mạnh.
Giai đoạn 2022-2025, Khuyến nông TP.HCM đề ra 6 nhiệm vụ lớn, gồm: Xây dựng và nhân rộng các mô hình; bồi dưỡng, tập huấn và dạy nghề nông nghiệp; thông tin tuyên truyền về nông nghiệp và khuyến nông; tư vấn và dịch vụ khuyến nông; hợp tác và khuyến nông; thực hiện các đề án hỗ trợ nông dân.
Đối với Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn này Khuyến nông Thành phố tập trung các nội dung như: Chuyển giao giống mới và kỹ thuật, công nghệ thông qua các hình thức xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao, cụ thể với các mô hình trồng rau ăn lá ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao...
Đối với Chương trình Phát triển nông nghiệp đô thị, sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ Phát triển các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực nông nghiệp; Phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; Phát triển kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp; Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2026-20230, Khuyến nông TP.HCM đặt mục tiêu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
Đồng thời tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế chính sách khuyến nông; Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khuyến nông; đổi mới phương pháp khuyến nông; xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho hoạt động khuyến nông; đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động khuyến nông.