Khuyến nông ứng dụng công nghệ cao tạo bước đột phá trong chăn nuôi

Trần Tinh Anh Thứ hai, ngày 09/12/2024 14:42 PM (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi không chỉ giúp giảm bớt sức lực cho người lao động mà còn nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất và tạo những bước đột phát trong nghề chăn nuôi.
Bình luận 0

Hiện, mô hình công nghệ cao trong chăn nuôi kết hợp những công nghệ hiện đại, tiên tiến. Điển hình trên thế giới đã có nhiều mô hình cơ giới hóa quá trình chăn nuôi, ứng dụng công nghệ, công nghệ thông tin để tự động hóa nhiều quy trình, như: Cho ăn, tắm mát, vệ sinh chuồng trại, khám sức khỏe, thu hoạch…

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi hiện đại

Hiện, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và TH True Milk với dây chuyền chăn nuôi và sản xuất sữa theo các công nghệ hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Khuyến nông TP.HCM tăng cường kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi - Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất. Ảnh: Trong trại gà lấy trứng chuồng lạnh của Công ty CP Ba Huân. Ảnh: T.Đ

Theo đó, giống bò sữa của 2 công ty này chủ yếu được nhập khẩu từ các nước có nguồn giống tốt, cho năng suất sữa cao, chất lượng như New Zealand, Australia... Mỗi con bò được gắn chíp điện tử để thuận tiện trong việc truy xuất nguồn gốc và theo dõi sức khỏe, kiểm soát thời kỳ phối giống, phát hiện bệnh cùng với việc theo dõi các hoạt động thường ngày của chúng…

Chuồng trại theo thiết kế có hệ thống mái được áp dụng công nghệ chống nóng bằng tôn lạnh với lớp nguyên liệu cách nhiệt, trong chuồng được bố trí hệ thống quạt làm mát phun tắm tự động; hệ thống dự trữ thức ăn, chế biến thức ăn được đầu tư hết sức đồng bộ, khẩu phần ăn được lập bằng máy tính và riêng cho từng loại bò; hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, quản lý đàn, hỗ trợ sinh sản, giám sát sức khỏe cũng hoàn toàn tự động, điều khiển bằng máy tính và các dữ liệu được truyền tải về trụ sở chính. Công việc vệ sinh, xử lý chất thải, hệ thống dọn phân tự động bảo vệ môi trường cũng áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới…

Nhằm nâng cao năng suất trong chăn nuôi, nhiều hộ dân đã áp dụng công nghệ nuôi chuồng lạnh theo quy trình khép kín. Tiên phong trong ứng dụng công nghệ này ở nước ta là Tập đoàn C.P Việt Nam.

Đến nay, công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín được được áp dụng phổ biến cho nuôi gà và nuôi lợn tại nhiều địa phương trên cả nước. Các trại nuôi này được xây dựng kín với hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ không khí bên trong, đệm lót sinh học… Thức ăn, nước uống cũng được cung cấp tự động.

Gà, lợn được nuôi trong chuồng kín, nhiệt độ ổn định theo từng độ tuổi. Chuồng được thiết kế kín, cách ly với bên ngoài hoàn toàn, một đầu có hệ thống nhiều quạt hút lớn, một đầu hệ thống làm mát từ nước. Khi hệ thống quạt hút giảm nhiệt độ bên trong không theo yêu cầu, bộ cảm ứng bên trong tự động bật hệ thống làm mát cho vật nuôi sẽ hoạt động. Nhiệt độ trong chuồng nuôi được điều chỉnh giảm dần theo độ tuổi của gà, lợn. Với hệ thống chuồng trại được làm khép kín, các quy trình xử lý khoa học nên hầu như không có mùi hôi đặc trưng trong chăn nuôi.

Ngoài ra, trong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn sử dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu – EM. Đây là một công nghệ sinh học hiện đại, đa tác dụng và an toàn. Công nghệ EM sử dụng các vi sinh vật để phân giải nhanh, triệt để các chất hữu cơ phế thải trong tự nhiên, qua đó giải phóng, tái tạo năng lượng và dinh dưỡng cho đất, cây trồng và môi trường trong một chu kỳ sinh học khép kín. Công nghệ sử dụng và bổ sung nguồn vi sinh vật có ích để tạo lập thể cân bằng mới trong thế giới vi sinh vật tự nhiên theo chiều hướng có lợi cho môi trường.

Cùng với đó là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vaccine. Công nghệ vaccine 4 bệnh là công nghệ cho phép tiêm chủng một lúc vaccine phòng 4 loại bệnh nguy hiểm trên gà ta và gà màu 1 ngày tuổi tại trạm ấp, gồm: Marek, GumBoro, Newcastle, IB. Với công nghệ này, người nuôi sẽ chỉ phải tiêm chủng thêm 3 lần vaccine tại trại thay vì 6 lần như truyền thống, giúp người chăn nuôi giảm công sức và tối đa hóa lợi nhuận. Toàn bộ quá trình phun và tiêm vaccine được thực hiện bằng máy tiêm và máy phun hiện đại, nhập khẩu từ châu Âu, có công suất lớn nên đảm bảo độ đồng đều và chính xác trong từng liều lượng vaccine là như nhau.

Tạo bước đột phá bằng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

Khuyến nông TP.HCM tăng cường kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi giúp giảm bớt sức lực cho người lao động. Ảnh: Nông dân huyện Hóc Môn nuôi bò sửa. Ảnh: T.Đ

Việc áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi giúp giảm bớt sức lực cho người lao động, thậm chí trước kia mỗi người chỉ chăm sóc được 1 chuồng nuôi thì nay một người có thể điều khiển hệ thống chăm sóc cả một trang trại chăn nuôi.

Bên cạnh đó những mô hình này đang ngày càng được cải tiến, nâng cấp độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí nên được xem là xu hướng tích cực cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để, nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần người dân.

Tương lai, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao vẫn luôn là xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại Việt Nam, hướng tới tự động hóa mọi quy trình, giảm bớt gánh nặng can thiệp của con người. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem