Trong nghề nuôi tôm sú/thẻ thâm canh, ngoài việc áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để xử lý môi trường phục vụ ao nuôi thì cá rô phi đóng vai trò rất quan trọng.
Cá rô phi như “người dọn dẹp” ao nuôi, cá tiêu thụ thức ăn thừa, chất thải hữu cơ của tôm, góp phần giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ức chế vi khuẩn Vibrio, tác nhân chính gây bệnh EMS (hội chứng tôm chết sớm) trên tôm.
Việc nuôi cá rô phi luân canh trong ao nuôi tôm thẻ/tôm sú nhằm cải tạo môi trường ao nuôi hiệu quả cao, hạn chế sự lây lan của mầm bệnh và tạo thêm nguồn thu cho người dân.
Nuôi luân canh cá rô phi trong ao nuôi tôm sú/tôm thẻ chân trắng còn góp phần phát triển kinh tế gia đình và xã hội, đồng thời vẫn cải thiện được môi trường ao nuôi để cho vụ nuôi tiếp theo được tốt hơn.
Doanh nghiệp tham quan thực tế tại ao nuôi cá rô phi Thái Lan ở ao nuôi tôm của anh Hoàng, p Bà Tình, xã Long Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).
Hiện nay trên thị trường có nhiều dòng cá rô phi đơn tính được chọn nuôi thâm canh như: cá rô phi dòng Gift, cá rô phi Đường Nghiệp, cá rô phi Thái Lan, cá rô phi Genomar,.. vì đã qua quá trình lai tạo chọn lọc, cho sức tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon và có thể xuất khẩu.
Doanh nghiệp đảm bảo cung cấp con giống và thức ăn, thuốc, vi sinh... đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi. Nguồn cung cấp con giống chủ yếu từ các tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Để tận dụng khoản thời gian ngắt vụ nuôi tôm sú/thẻ, ông Phạm Văn Hoàng, một nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi tôm thẻ công nghiệp tại ấp Bà Tình, xã Long Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đã mạnh dạn đầu tư nuôi 100.000 con cá rô phi Thái Lan.
Qua 20 ngày nuôi cho thấy, với mật độ thả 3 con/m2, sử dụng thức ăn công nghiệp 32% đạm, ngày cho ăn 2 lần vào sáng, chiều, cho ăn theo nhu cầu của cá, cá thích nghi và phát triển rất tốt, lớn nhanh.
Dự kiến trong thời gian nuôi khoảng 4 - 5 tháng, cá sẽ đạt trọng lượng trung bình 0,8-1,0 kg/con, ước thu hoạch trên 50 tấn cá thương phẩm và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Theo số liệu báo cáo từ Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) toàn huyện có khoảng 650 ha diện tích mặt nước nuôi tôm công nghiệp (thẻ chân trắng/tôm sú).
Đây là diện tích có tìm năng rất lớn có thể sử dụng để nuôi cá rô phi Thái Lan luân canh trong ao nuôi tôm sú/thẻ để cải tạo môi trường ao nuôi, mang lại thu nhập cho hộ dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.